Khi bị viêm họng, bạn cần tránh hút thuốc, ăn thực phẩm cay hoặc có tính axit, không nằm xuống ngay sau khi ăn vì những điều này có thể gây kích ứng cổ họng.

Đau họng là vấn đề phổ biến có thể do vô số bệnh gây ra. Ảnh: Findatopdoc.

Đau họng, hay viêm họng, khiến việc ăn, uống, ngủ, nói và hoạt động nói chung trở nên khó khăn hơn. Điều khó chịu hơn nữa là viêm họng có thể do vô số bệnh gây ra – từ dị ứng đến cảm lạnh thông thường, từ nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn đến các vấn đề khác.

Tiến sĩ Daniel Allan, chuyên gia y học gia đình tại Cleveland Clinic, cho biết cách tốt nhất để tìm ra nguyên nhân gây ra chứng đau họng của bạn là đến gặp bác sĩ. Nhưng nếu bạn không thể đến bệnh viện ngay, một số cách chữa đau họng tại nhà hiệu quả nhất sẽ khiến bạn khó chịu trong vài ngày. Đồng thời, bạn cũng cần tránh một số điều có thể làm tình trạng nghiêm trọng và lâu khỏi hơn.

Biện pháp khắc phục đau họng tại nhà

Tiến sĩ Allan chia sẻ một số biện pháp để giảm bớt cơn đau họng tại nhà.

Chất lỏng ấm và lạnh

Bạn có thể nhâm nhi đồ uống ấm, như trà hay súp gà hoặc thử dùng các chất lỏng lạnh, chẳng hạn nước đá hoặc kem que. Điều này phụ thuộc vào sở thích của bạn và điều gì làm dịu cổ họng tốt nhất.

Tiến sĩ Allan nói: “Chất lỏng giúp làm sạch màng nhầy, giữ cho mọi thứ trôi chảy và ngăn ngừa nhiễm trùng xoang. Nhiệt độ ấm cũng có thể làm giảm ho bằng cách làm dịu cổ họng. Hãy thử cả ấm và lạnh để xem điều gì phù hợp nhất với bạn”.

Đau họng có thể khiến bạn khó chịu, ảnh hưởng việc ăn uống, nuốt. Ảnh: Eatthis.

Súc miệng

Hòa tan 1/2 muỗng cà phê muối – hoặc một lượng baking soda tương tự – trong một cốc nước ấm. Súc miệng (nhưng không nuốt) hỗn hợp này cứ sau 3 giờ. Đây là phương pháp điều trị viêm họng hoàn toàn tự nhiên.

Nước muối có thể giúp giảm sưng và kích ứng trong cổ họng. Baking soda cũng làm dịu cổ họng, phá vỡ chất nhầy và có thể giúp điều trị chứng trào ngược axit gây khó chịu ở cổ họng.

Thuốc kháng histamine và thuốc giảm đau không kê đơn

Thuốc kháng histamine có thể làm dịu hoặc giảm đau họng. Acetaminophen, ibuprofen và naproxen cũng giúp giảm đau ở các tuyến và bộ phận khác trên vùng cổ.

“Histamine là hóa chất giúp hệ thống miễn dịch chống lại các chất lạ. Nhưng đôi khi, chúng có thể gây ra các triệu chứng (chẳng hạn nghẹt mũi và chảy nước mũi sau), khiến bệnh viêm họng trở nên tồi tệ hơn. Thuốc kháng histamine có thể chống lại phản ứng thái quá này”, tiến sĩ Allan giải thích.

Nghỉ ngơi nhiều

Tiến sĩ Allan cho biết viêm họng có thể khiến bạn mệt mỏi nên việc nghỉ ngơi giúp bạn giảm khó chịu. Tuy nhiên, bạn nên chú ý về tư thế nằm khi nghỉ. Nằm thẳng đôi khi có thể gây sưng do tăng áp lực ở phía sau cổ họng. Thay vào đó, hãy thử kê cao giường hoặc ngồi tựa lưng hoặc ngồi trên ghế để giảm đau và khó chịu.

Những điều làm trầm trọng tình trạng viêm họng

Tiến sĩ Allan cảnh báo không phải tất cả biện pháp điều trị đau họng đều hiệu quả như nhau. Chuyên gia khuyên bạn nên tránh hai điều này:

– Giấm táo: Thực phẩm này có thể có một số đặc tính kháng khuẩn, nhưng điều đó sẽ không có tác dụng gì nhiều đối với bệnh viêm họng.

– Tinh dầu: Chúng chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng hoặc chưa được chứng minh lâm sàng về tính an toàn hoặc hiệu quả.

Một số thứ có thể gây kích ứng cổ họng, bao gồm:

  • Không khí khô.
  • Hút thuốc.
  • Thực phẩm có tính axit hoặc thực phẩm cay.
  • Nằm xuống ngay sau khi ăn, đặc biệt nếu bạn bị trào ngược axit.

Khi nào nên đi khám bác sĩ do đau họng?

Tiến sĩ Allan khuyến cáo bạn nên gọi cho bác sĩ nếu:

– Đau họng dữ dội, kéo dài hoặc không cải thiện hoặc kéo dài vào tai.

– Gặp khó khăn khi nuốt, thở hoặc mở miệng.

– Ho ra máu hoặc có máu trong nước bọt.

– Cảm thấy các hạch bạch huyết to ra, hoặc cục u, ở cổ.

– Có mảng trắng ở phía sau cổ họng hoặc phát ban, có thể là dấu hiệu của bệnh viêm họng liên cầu khuẩn hoặc sốt tinh hồng nhiệt.

– Bị sốt cao.

– Mất giọng trong hơn một hoặc hai tuần.

Tiến sĩ Allan khuyên bạn tốt nhất nên phòng bệnh trước khi nó bùng phát bằng cách rửa tay thường xuyên. Và nếu bị ốm, bạn nên thay ngay bàn chải đánh răng bằng cái mới, không có mầm bệnh.

Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link