Béo phì, mắc bệnh tiểu đường, lười vận động, hút thuốc lá là một số yếu tố rủi ro phổ biến có thể khiến bạn có nguy cơ cao bị đau tim.
Nhiều tình trạng sức khỏe bất thường và lối sống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Ảnh: Cardiometabolicinstitute.
Cơn đau tim xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm hoặc tắc nghẽn nghiêm trọng. Sự tắc nghẽn thường là do sự tích tụ chất béo, cholesterol và các chất khác trong động mạch tim (mạch vành). Các chất béo, chứa cholesterol được gọi là mảng bám. Quá trình tích tụ mảng bám được gọi là xơ vữa động mạch.
Một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim không thể kiểm soát được, chẳng hạn tuổi tác hoặc tiền sử gia đình.
Tình trạng sức khỏe bất thường
Theo India Times, một số tình trạng sức khỏe sẵn có có thể làm tăng nguy cơ đau tim nhưng bạn có thể giảm rủi ro bằng cách thay đổi các yếu tố kiểm soát được.
Cholesterol cao
Cholesterol là một chất giống sáp, chất béo do gan tạo ra hoặc được tìm thấy trong một số loại thực phẩm. Gan tạo ra đủ nhu cầu của cơ thể, nhưng chúng ta thường nhận được nhiều cholesterol hơn từ thực phẩm chúng ta ăn.
Nếu chúng ta hấp thụ nhiều cholesterol hơn mức cơ thể có thể sử dụng, lượng cholesterol dư thừa tích tụ trong thành động mạch, bao gồm cả động mạch của tim. Điều này dẫn đến việc thu hẹp các động mạch và có thể làm giảm lưu lượng máu đến tim, não, thận và các bộ phận khác của cơ thể.
Có hai loại cholesterol trong máu chính là cholesterol LDL (lipoprotein mật độ thấp), được coi là cholesterol “xấu” vì nó có thể gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch và cholesterol HDL (lipoprotein mật độ cao), được coi là là cholesterol “tốt” vì mức độ cao hơn cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại bệnh tim. Mức LDL cao có thể khiến bạn tăng nguy cơ đau tim.
Bệnh tiểu đường
Cơ thể bạn cần glucose (đường) để tạo năng lượng. Insulin là loại hormone được tạo ra trong tuyến tụy giúp chuyển glucose từ thực phẩm bạn ăn vào các tế bào của cơ thể để lấy năng lượng.
Nếu bạn bị tiểu đường, cơ thể không tạo ra đủ insulin, không thể sử dụng insulin của chính nó tốt như bình thường hoặc cả hai. Bệnh tiểu đường khiến đường tích tụ trong máu. Nguy cơ tử vong do bệnh tim đối với người lớn mắc bệnh tiểu đường cao hơn so với người lớn không mắc bệnh tiểu đường.
Huyết áp cao
Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim. Đây là tình trạng bệnh lý xảy ra khi áp suất máu trong động mạch và các mạch máu khác quá cao. Huyết áp cao, nếu không được kiểm soát, có thể ảnh hưởng đến tim và các cơ quan chính khác của cơ thể, bao gồm thận và não.
Theo Mayo Clinic, huyết áp cao buộc tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến các phần còn lại của cơ thể. Điều này dễ dẫn đến tâm thất trái dày lên, làm tăng nguy cơ đau tim.
Huyết áp cao thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không có triệu chứng. Cách duy nhất để biết có bị cao huyết áp hay không là đo huyết áp. Bạn có thể hạ huyết áp bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đau tim.
Béo phì
Béo phì là chất béo dư thừa trong cơ thể. Béo phì có liên quan đến mức cholesterol và chất béo trung tính “xấu” cao hơn và làm giảm mức cholesterol “tốt”. Béo phì có thể dẫn đến huyết áp cao và tiểu đường cũng như bệnh tim.
Trọng lượng cơ thể dư thừa có thể khiến nhiều chất béo tích tụ trong động mạch, dẫn đến động mạch bị tổn thương và tắc nghẽn. Điều này làm tăng nguy cơ đau tim.
Béo phì là một trong những nguyên nhân gây đau tim mà bạn không nên phớt lờ. Ảnh: Forbes.
Lối sống không lành mạnh
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), lối sống không lành mạnh của bạn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim:
Hút thuốc
Hút thuốc lá có thể làm hỏng tim và mạch máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim như xơ vữa động mạch và đau tim. Ngoài ra, nicotin làm tăng huyết áp, carbon monoxide từ khói thuốc lá làm giảm lượng oxy mà máu có thể mang theo. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ngay cả đối với những người không hút thuốc.
Căng thẳng
Căng thẳng có thể gây nhiều áp lực lên cơ tim. Adrenaline tăng đột ngột có thể dẫn đến thu hẹp các động mạch nhỏ, làm giảm lưu lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể, do đó, làm tăng khả năng bị đau tim.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ đau tim. Đặc biệt, ăn chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol có liên quan đến bệnh tim và các tình trạng liên quan, chẳng hạn xơ vữa động mạch. Ngoài ra, quá nhiều muối (natri) trong chế độ ăn uống có thể làm tăng huyết áp.
Lười vận động
Hoạt động thể chất kém có thể dẫn đến bệnh tim. Điều này cũng có thể làm tăng khả năng mắc các bệnh khác là yếu tố nguy cơ, bao gồm béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường. Đây là lý do tập thể dục thường xuyên là chìa khóa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H