Một nghiên cứu mới cho thấy nhóm thanh thiếu niên ngủ không đủ giấc có nguy cơ mắc căn bệnh đe dọa đến tính mạng.

Ngủ không đủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng. Ảnh: kinga_cichewicz.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Đại học Stockholm (Thụy Điển) vừa phát hiện ra nhóm thanh thiếu niên ngủ không đủ 7 giờ mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng (MS) cao hơn từ 40% đến 50% so với những người ngủ đủ giấc.

Theo National MS Society, MS là chứng rối loạn thoái hóa thần kinh ảnh hưởng đến hơn 2,3 triệu người trên toàn cầu. Căn bệnh mạn tính này phá vỡ lớp bảo vệ dây thần kinh của cơ thể (được gọi là vỏ myelin) dẫn đến tình trạng viêm và đau lan rộng.

Nguyên nhân trực tiếp của căn bệnh này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số yếu tố như di truyền, khu vực sống, thiếu vitamin D, thói quen hút thuốc, béo phì hay nhiễm trùng… đều có liên quan đến sự phát triển của bệnh đa xơ cứng.

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu tại Thụy Điển mới đây đã đưa ra thêm một yếu tố khác vào danh sách gây bệnh: “Ngủ không đủ giấc và chất lượng giấc ngủ thấp khi còn trẻ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh MS trong tương lai”.

Từ đây, các nhà khoa học nhận định ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi – yếu tố cần thiết cho khả năng miễn dịch từ đó phòng ngừa bệnh MS.

Theo dữ liệu từ cuộc điều tra dịch tễ học về bệnh đa xơ cứng, 2.075 bệnh nhân mắc bệnh lý này đã được chọn để tham gia nghiên cứu, song song với đó là 3.164 tình nguyện viên không mắc bệnh làm nhóm đối chứng.

Thông qua đó, các nhà nghiên cứu đã điều tra việc ngủ hơn 7 giờ mỗi đêm so với những người không ngủ đủ thời gian này sẽ có sự khác biệt như thế nào.

Nghiên cứu bắt đầu vào năm 2004 và đã phát hiện ra rằng ngủ không đủ giấc có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh MS. Kết quả này khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ chất lượng giấc ngủ cũng liên quan tới căn bệnh này.

Sau khi đánh giá, họ cũng kết luận những người có chất lượng giấc ngủ thấp có nguy cơ mắc bệnh MS cao hơn 50% so với những người ngủ ngon.

Nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng ngủ không đủ giấc hoặc rối loạn giấc ngủ xảy ra phổ biến ở nhóm thanh thiếu niên. Điều này phần nào có thể được giải thích từ những thay đổi về sinh lý, tâm lý và xã hội xảy ra trong độ tuổi này cũng như thói quen sử dụng mạng xã hội của người trẻ.

Về bệnh lý MS, hiện chưa có cách điều trị tình trạng rối loạn này. Đa xơ cứng vẫn được nhận định là một dạng rối loạn tự miễn khi nó tấn công các mô khỏe mạnh. Dẫu vậy, những phát hiện gần đây đang dần làm sáng tỏ nguồn gốc bí ẩn của bệnh.

Mới đây, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa bệnh bạch cầu đơn nhân – còn được gọi là bệnh mono hay bệnh hôn – và sự phát triển của bệnh đa xơ cứng. Trong khi đó, một nghiên cứu khác kết luận thức ăn nhanh là nguyên nhân gây bệnh MS.

Trên thực tế, dù có sẵn thuốc điều trị, các sản phẩm này có thể không có tác dụng với một số bệnh nhân.

Nữ diễn viên của Dead To Me Christina Applegate từng chia về việc cô được chẩn đoán mắc đa xơ cứng vào năm 2021. Cô mô tả đó là “sự tra tấn” khi vẫn phải làm việc trên phim trường trong song song với các triệu chứng suy nhược.

Nữ diễn viên chia sẻ với Variety: “Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Tháng 1 năm đó, lần lượt các ngón chân và bàn chân của tôi tê cứng lại. Sau khi tôi gắng gượng và gạt cảm giác đó sang một bên, tôi đột nhiên ngã xuống”.

Ngôi sao Selma Blair thậm chí đã làm một bộ phim tài liệu về cuộc đấu tranh của nữ diễn viên này với MS gần hai năm trước. Bộ phim đã kể chi tiết về thử nghiệm cấy ghép tế bào gốc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm của cô trong quá trình hóa trị nhằm loại bỏ hệ miễn dịch bị rối loạn chức năng, đồng thời truyền tế bào gốc khỏe mạnh bổ sung.

Phương pháp điều trị thử nghiệm đã được chứng minh là thành công trong một số thử nghiệm, nhưng vẫn còn quá nhiều điều chưa chắc chắn.

Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link