Chống ung thư
Beta carotene là tiền chất của vitamin A trong cơ thể người. Vitamin A duy trì đôi mắt sáng và làn da khỏe mạnh. Đồng thời, beta caroten được chứng minh là có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây ung thư. Đây cũng là một dưỡng chất dồi dào trong khoai lang.
Những phụ nữ có nồng độ carotene cao nhất có nguy cơ tái phát ung thư vú thấp nhất. Đây là kết luận được các nhà khoa học từ WHEL (Women’s Healthy Eating and Living) đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu trên những phụ nữ hoàn tất giai đoạn đầu điều trị căn bệnh này.
Khoai lang cũng là sự lựa chọn số 1 cho những người muốn giảm béo. Năng lượng có trong khoai lang rất ít, chỉ bằng 1/3 so với cơm và 1/2 so với khoai tây.
Loại củ này không chứa chất béo và cholesterol, ngăn ngừa quá trình chuyển hoá đường trong thức ăn thành mỡ và chất béo trong cơ thể. Ăn khoai lang trước bữa ăn sẽ tạo cảm giác no bụng, vì thế sẽ giảm được lượng thức ăn hấp thụ trong bữa ăn chính.
Ngừa mụn nhọt
Trong Đông y, khoai lang là nguyên liệu được dùng để trị mụn nhọt rất hữu hiệu.
– Cách trị mụt nhọt: Khoai lang củ 40g, lá bồ công anh 40g, đường hoặc mật mía giã nhuyễn bọc vào vải, đắp lên mụn nhọt. Bạn chỉ cần làm vài ngày theo cách này sẽ thấy mụn nhọt giảm đáng kể.
– Hút mủ nhọt đã vỡ: Lá khoai lang non 50g, đậu xanh 12g, thêm chút muối, giã nhuyễn bọc vào vải đắp lên vết mụn nhọt đã vỡ có tác dụng làm mát vùng da đó đồng thời làm mờ vết sẹo mụn giúp da sáng đẹp hơn.
Lợi ích khác từ khoai lang
Khoai lang tím có khả năng tiêu diệt và ngăn chặn các tế bào ung thư lây lan. Khi vi khuẩn ăn các chất tinh bột có trong khoai lang tím, chúng có thể tự chuyển đổi thành một loại axit béo có lợi, chẳng hạn như axit butyric – loại axit có thể điều tiết chức năng miễn dịch của đường ruột, giúp ức chế chứng viêm mãn tính và khiến các tế bào ung thư tự hủy diệt.
Các nhà khoa học Mỹ đã kết hợp các chiết xuất lấy từ củ khoai lang tím nướng chín lên các tế bào ung thư, và thấy rằng các tế bào ung thư bị ức chế phát triển. Khi thử nghiệm cho chuột bị ung thư ăn khoai lang chín, họ cũng thu được những kết quả rất khả quan.
Một số điểm lưu ý khi dùng khoai lang:
– Để có tác dụng bổ dưỡng, nên ăn khoai vỏ đỏ ruột vàng. Để giải cảm và chữa táo bón, phải dùng khoai vỏ trắng ruột trắng.
– Không ăn thường xuyên rau lang vì nó chứa nhiều canxi, có thể gây sỏi thận.
– Nên ăn kèm đạm động vật, thực vật để cân bằng thành phần dưỡng chất.
– Trong khoai lang có chất đường, nếu ăn nhiều, nhất là khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, khoai phải được nấu, luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để chữa.
– Vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Do đó phải bảo vệ phần vỏ không bị sây sát, không gọt vỏ nếu không cần thiết. Vỏ còn giúp bảo vệ dưỡng chất bên trong, vì vậy khi luộc khoai nên để cả vỏ (đã rửa sạch).
– Bảo quản khoai ở nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, không có chuột bọ và chỉ nên dùng trong vòng một tuần.
– Phải bỏ hết khoai hà (sùng), khoai đã có mầm và vỏ xanh chứa chất độc.