TS.BS Nguyễn Thanh Danh, khoa dinh dưỡng lâm sàng, trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, các loại đũa gỗ có chất lượng kém, không trơn láng sẽ dễ bị bám thức ăn, nếu rửa không sạch sẽ khiến vi trùng, nấm mốc phát triển, gây ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện ở đường tiêu hoá như đau bụng, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, nếu ngộ độc nặng có thể tử vong do truỵ tim mạch.
Nguyên nhân gây độc thực phẩm cấp tính thường do các loại vi khuẩn như campylobacter jejuni, salmonella, escherichia coli, staphylococcus, clostridium botulinum. Còn gây nhiễm độc mãn tính là một số nấm mốc độc nhiễm vào thực phẩm như nấm aspergilus flavus, aspergilus pataciticus thường có trong đậu phộng, bắp, khô dừa, khô đỗ tương bị ẩm mốc, có thể sinh độc tố aflatoxin rất độc hại, là nguyên nhân gây ung thư gan. Aflatoxin không bị phân huỷ ở nhiệt độ sôi thông thường (100 độ C) mà chỉ bị phân huỷ trên 120 độ C. Nấm mốc dễ phát triển (sau vài ngày) trên các loại đũa sử dụng cho các thức ăn thuộc họ đậu, ngũ cốc đặc biệt là đậu phộng.
Những năm gần đây chúng ta nói nhiều đến túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa, giấy bọc thực phẩm…và nguy cơ có thể dẫn đến ung thư. Nhưng có một thứ được sử dụng hằng ngày như truyền thống của Việt Nam hay Trung Quốc và một số nước châu Á, đó là đôi đũa thì gần như chúng ta quên mất.
Mà thực tế một đôi đũa sử dụng trong mấy năm là việc thường xảy ra trong nhiều gia đình. Gần đây các chuyên gia Trung Quốc qua thử nghiệm đã phát hiện ra rằng, đũa gỗ sau thời gian dài sử dụng sẽ tích tụ nhiều vi khuẩn. Những vi khuẩn có độc tố aflatoxin nếu xâm nhập vào cơ thể sẽ dẫn đến ung thư.
Đũa dùng lâu ngày màu sắc sẽ thay đổi hoặc chuyển màu nhạt hoặc màu đậm theo thời gian và mức độ sử dụng, chứng tỏ bản chất vật liệu đã thay đổi. Mà nguyên nhân chủ yếu của sự thay đổi đó là do các vi khuẩn tích tụ lâu ngày gây ra.
Dùng đũa bao lâu là phải thay?
Theo báo cáo khảo sát, thông thường khi sử dụng từ 3-6 tháng, màu sắc của đũa sẽ thay đổi đậm hoặc nhạt. Vượt quá thời gian đó đũa sẽ sinh ra các loại vi khuẩn nấm mốc, nhẹ thì có thể dẫn đến tình trạng nhiểm trùng tiêu chảy, nôn mửa…
Đũa mốc nghiêm trọng sẽ sinh ra độc chất aflatoxin. Chất này được tổ chức y tế thế giới chỉ định là độc chất gây ung thư, nó phá hoại các tổ chức mô gan của người và độ vật dẫn đến ung thư gan.
Có hai nguyên nhân khiến cho đôi đũa chúng ta sử dụng hằng ngày dễ nhiễm nấm mốc:
Thứ nhất, để kéo dài thời gian sử dụng các loại đũa bằng chất liệu gỗ, các cơ sở sản xuất thường sơn lên bề mặt đũa một lớp sơn sống (sơn ăn được) để vi khuẩn không dễ bám vào. Nhưng khi thời gian sử dụng quá dài thì lớp sơn bị bong ra hoặc hư hỏng và vi khuẩn lại có không gian để sinh sống.
Thứ hai, trong các gia đình sau bữa ăn thường rửa đũa rồi dồn vào để trong tủ bếp khiến cho đũa luôn trong tình trạng ẩm và môi trường ấy là điều kiện rất tốt cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Độc tố aspergillus flavus (một độc tố gây ung thư) thường có trong lương thực bị mốc, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng: “Đũa cũ mốc cũng có khả năng sinh ra độc tố aspergillus flavus”. Trong môi trường ẩm ướt không có mặt trời, các loại nấm mốc rất dễ sinh sôi, độc tố aspergillus flavus cũng không là ngoại lệ.
Cách dùng đũa an toàn
Theo hướng dẫn của TS Danh, chúng tôi cho đũa gỗ vào hỗn hợp đậu phộng và dầu ăn rồi rửa sơ bằng nước máy, sau đó để ở nhiệt độ thường. Sau bốn ngày, trên các đôi đũa xuất hiện một số đốm mốc màu trắng nhỏ li ti. TS Danh giải thích: “Đũa không được rửa sạch bằng xà bông và lau khô dễ bị vi khuẩn, vi nấm độc trong môi trường bám vào đồ ăn còn sót trên đũa và có nguy cơ lây vào thức ăn khi dùng đũa sau đó. Ngoài ra đũa còn có nguy cơ nhiễm hoá chất từ nước rửa chén”.