Theo Th.S-BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), gần đây viện tiếp nhận các bệnh nhân còn rất trẻ, từ 17 – 20 tuổi, được gia đình đưa đến viện do bị ảo giác sau khi hít bóng cười. Mới đây, một nam thanh niên 19 tuổi được đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần do xuất hiện ảo giác. Người thân của bệnh nhân cho biết, ban đầu bạn trẻ này chơi bóng cười chỉ để vui vẻ, giải trí nhưng gần đây mức độ dùng tăng lên liên tục; sau khi tăng liều và hút thêm cần sa thì xuất hiện tình trạng cười ngả nghiêng cả tối kèm những hành vi kỳ lạ nên người nhà phải cấp tốc đưa vào viện. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ảo giác.
Theo các bác sĩ điều trị, bệnh nhân bị ảo giác thường nhìn thấy hình thù không bình thường, nghe thấy tiếng nói, âm thanh không bình thường, các hình ảnh âm thanh đó chi phối họ, gây cười, khóc, hành vi cảm xúc bị rối loạn theo ảo giác. Có trường hợp cứ tìm cách chạy trốn ai đó, nguyên nhân do bị ảo giác, tự họ thấy có tiếng nói thúc giục phải chạy trốn nếu không sẽ bị nguy hiểm…
Thuộc nhóm chất gây nghiện, tương tự heroin
Khí cười là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng gây tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà
Bác sĩ Thu Hà giải thích, bóng cười thực chất là những trái bóng được bơm khí N2O. Sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Chất này có thể dùng gây tê trong y tế, nhưng khi dùng phải thêm ô xy vì khí N2O thiếu ô xy.
“Khí cười là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng gây tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin”, chuyên gia về điều trị nghiện chất cảnh báo. Bác sĩ Hà cũng lưu ý: “Khi vào cơ thể, khí này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch. Chỉ riêng cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt. Chất này gây phấn khích khiến người dùng cười ngả nghiêng nhưng nếu cười quá nhiều có thể gây thiếu ô xy, và nếu có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim cũng là tác hại của loại khí này”.
Dùng bóng cười gây hưng phấn vui vẻ, nên người ta có khuynh hướng dùng lại để tìm cảm giác ấy, dần dần thấy thiếu và nhớ. Bác sĩ khuyến cáo: “Khác với cười thật là do các tác nhân tích cực trong cuộc sống, tạo nên tiếng cười sảng khoái, cười chủ động. Cười do chất kích thích từ bóng cười thì do chất hóa học, không phải là niềm vui thực sự. Chất khí cười tác động mạnh nhất đến hệ thần kinh, gây sảng khoái chỉ trong 2 – 3 phút. Lạm dụng khí cười thì sẽ phụ thuộc và nghiện, khi thiếu khí cười dễ bị trầm cảm. Do đó, không nên giải trí bằng bóng cười”.
Bác sĩ cũng bày tỏ lo ngại thực tế, các bệnh nhân nhập viện không đơn thuần chỉ sử dụng bóng cười mà còn các chất kích thích như rượu, bia, cần sa và một số chất khác… Các chất này khi kết hợp với nhau thì tác động cộng hưởng, mức độ kích thích tăng lên, tác hại càng lớn hơn, việc điều trị do đó sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.