Các bác sĩ chẩn đoán cô gái trẻ bị bệnh đa dây thần kinh do thiếu vitamin B12. Đây là tác hại nghiêm trọng khi tiếp xúc lâu dài với bóng cười.
Cô gái 25 tuổi rơi vào tình trạng đi không vững, giảm cảm giác ở tứ chi do bóng cười. Ảnh: Liêu Lãm.
Mới đây, Phòng khám khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quận 11, TP.HCM, cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 25 tuổi, đến khám vì tình trạng đi không vững, yếu hai chân và giảm cảm giác ở cả tứ chi.
Sau khi thăm khám và đo điện cơ cho người bệnh, bác sĩ ghi nhận tình trạng tổn thương đa dây thần kinh, đối xứng hai bên, diễn tiến cấp tính. Sau khi hỏi thêm về tiền sử, cô gái cho hay 2 tháng gần đây được bạn bè rủ rê sử dụng bóng cười.
Các bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu cô gái này thiếu vitamin B12, gây ra tình trạng tổn thương dây thần kinh và chỉ định xét nghiệm máu. Kết quả nồng độ vitamin B12 của người bệnh ở còn ở mức 144 (chỉ số bình thường: 400-900 nmol/L).
Theo các bác sĩ, trường hợp này cần được bổ sung vitamin B12 (thông qua đường tiêm bắp) và tránh tiếp xúc khí cười. Sau điều trị, người bệnh tiên lượng phục hồi khá tốt.
Bóng cười có chứa khí dinitơ monoxide (N2O), là chất ức chế thần kinh. Người hít khí này sẽ có cảm giác lâng lâng, thoải mái, cười khúc khích (cho nên được gọi là khí cười).
Tiếp xúc khí này lâu dài, bạn sẽ bị gây ức chế, giảm hấp thu vitamin B12 (vi chất quan trọng trong quá trình tạo máu và cấu thành nên hệ thần kinh hoạt động bình thường). Thiếu vitamin B12 gây ra những triệu chứng đa dạng, bao gồm:
– Tê hoặc cảm giác châm chích bàn tay, bàn chân.
– Đi đứng khó khăn.
– Thay đổi khí sắc.
– Ảnh hưởng trí nhớ, sự tập trung.
– Giảm các dòng tế bào máu, đôi khi gây nhiễm trùng, xuất huyết nặng nề.
Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người dân về các tác hại nghiêm trọng khi tiếp xúc lâu dài với bóng cười, bất kể liều lượng ít hay nhiều. Do đó, dù không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt, mọi người cần ý thức được các tác dụng phụ nguy hiểm của bóng cười để phòng ngừa, không bị lôi kéo sử dụng.
Theo Phương Anh (zing) – Ảnh: T.H