Theo một nghiên cứu quy mô lớn, việc mắc Covid-19 có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh tự miễn tới 43%.

Nhóm nghiên cứu từ Đức mới rút ra kết luận việc mắc Covid-19 tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn lên đến hơn 40%. Ảnh: Autoimmuneinstitute.

Anuradhaa Subramanian, chuyên gia tin học y tế tại Đại học Birmingham (Anh), người không tham gia vào nghiên cứu, khẳng định tác động của nghiên cứu này rất lớn. Cho đến nay, đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất, trả lời câu hỏi về Covid-19 và nguy cơ mắc bệnh tự miễn.

Theo Livescience, nghiên cứu do các chuyên gia từ Đức thực hiện được đăng trên medRxiv hôm 26/1.

Nguy cơ mắc bệnh tự miễn cao hơn 43%

Trước đây, các nhà khoa học từng liên hệ Covid-19 với việc tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn – bệnh lý xảy ra do hệ miễn dịch cơ thể mất đi khả năng nhận biết, phân biệt kháng nguyên của cơ thể với các tác nhân gây hại bên ngoài, dẫn đến tấn công nhầm các bộ phận khỏe mạnh của cơ thể.

Tuy nhiên, nghiên cứu này giới hạn trong các nghiên cứu nhỏ, chỉ tập trung vào một số tình trạng, chẳng hạn thiếu máu tán huyết tự miễn (ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu) và hội chứng Guillain-Barre (ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh).

Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ sức khỏe của 640.000 người ở Đức đã mắc Covid-19 vào năm 2020 và 1,5 triệu người không nhiễm SARS-CoV-2 trong năm đó để khám phá việc nhiễm virus ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ phát triển bất kỳ tình trạng nào trong số 30 tình trạng tự miễn.

Nhóm chuyên gia đã kiểm tra tỷ lệ những người mới được chẩn đoán mắc các bệnh tự miễn trong vòng 3 đến 15 tháng sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Họ so sánh tỷ lệ này với tỷ lệ ở người chưa mắc Covid-19. Khoảng 10% số người tham gia trong mỗi nhóm đã mắc các bệnh tự miễn từ trước.

Trong số những người không có tiền sử mắc bệnh tự miễn, hơn 15% người mắc Covid-19 lần đầu tiên phát triển bệnh tự miễn trong thời gian theo dõi. Ở người chưa nhiễm virus, tỷ lệ này là khoảng 11%. Nói cách khác, nhóm từng mắc Covid-19 có khả năng mắc bệnh tự miễn cao hơn 43% so với nhóm đối chứng.

Trong nhóm người từng mắc bệnh tự miễn, những người đã mắc Covid-19 có nguy cơ mắc thêm bệnh tự miễn cao hơn 23% trong giai đoạn theo dõi.

Covid-19 anh 1

Một số chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu thêm về nhóm người khác và việc tiêm vaccine tác động như thế nào. Ảnh: Reuters.

Cần thêm các nghiên cứu liên quan

Covid-19 có mối liên hệ chặt chẽ nhất với việc tăng nguy cơ viêm mạch (gây viêm mạch máu). Nhóm từng nhiễm SARS-CoV-2 có tỷ lệ mắc viêm động mạch thái dương (một loại viêm mạch) cao hơn 63% so với nhóm không bị nhiễm. Các vấn đề do tự miễn dịch đối với tuyến giáp, bệnh vảy nến ở da cũng có liên quan chặt chẽ với việc mắc Covid-19 trước đó, cũng như bệnh viêm khớp dạng thấp (gây sưng khớp).

“Những phát hiện này không thể bỏ qua. Chúng ta cần theo đuổi nghiên cứu về cách thức Covid-19 có khả năng kích hoạt khả năng tự miễn vì nhiều người đang tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh này”, bà Subramanian nói nhận định.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý có một số giả thuyết về cách Covid-19 có thể kích hoạt khả năng tự miễn và các cơ chế khác nhau ảnh hưởng đến các hệ thống cơ quan khác nhau.

Jagadeesh Bayry – giáo sư Khoa học sinh học và kỹ thuật tại Viện Công nghệ Ấn Độ Palakkad, người không tham gia vào nghiên cứu – cho hay hiểu được tác động của Covid-19 đến nguy cơ mắc bệnh tự miễn sẽ giúp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, điều trị sớm nhằm ngăn ngừa bệnh tật và tử vong liên quan.

Ông Bayry nói thêm việc nhiễm virus, bao gồm cúm, liên quan đến bệnh tự miễn. Vì vậy, giới khoa học cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác định tác động cụ thể đối với Covid-19.

Trong khi đó, bà Subramanian cho biết thêm những nghiên cứu trong tương lai cũng nên kiểm tra liên kết này trong các nhóm dân cư đa dạng, ngoài người sống ở Đức.

Tiến sĩ Atsushi Sakuraba, phó giáo sư khoa Tiêu hóa tại Đại học Chicago (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu – nhận xét mặc dù quy mô mẫu lớn khiến đây là một nghiên cứu mạnh mẽ, điều đáng chú ý là nó “chỉ cho thấy mối liên hệ giữa Covid-19 và bệnh tự miễn chứ không chứng minh được mối quan hệ nhân quả”.

Một hạn chế khác là có thể một số người trong nhóm chưa mắc Covid-19 của nghiên cứu thực ra đã nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng nên không biết. Nghiên cứu cũng không thể chỉ ra liệu các biến thể virus corona khác nhau có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tự miễn cao hơn hay thấp hơn hay việc tiêm vaccine ảnh hưởng đến nguy cơ đó như thế nào.

Theo Nguyên Lê (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link