Dụi mắt không chỉ khiến mắt có nguy cơ bị nhiễm trùng mà còn gây tổn thương giác mạc.

Dụi mắt vì buồn ngủ, căng thẳng hoặc thậm chí dị ứng có thể gây ra những tác động bất lợi. Ảnh: Shutterstock.

Bác sĩ nhãn khoa Nimmi Mistry cảnh báo dụi mắt vì buồn ngủ, căng thẳng hoặc ngứa mắt có thể gây ra những tác động bất lợi.

Thói quen này là “phản ứng tự động của mỗi người khi đôi mắt mệt mỏi, khó chịu”. Hành động tưởng chừng vô hại này có thể dẫn đến “nhiều vấn đề”.

Bác sĩ nhãn khoa Nimmi Mistry giải thích: “Điện thoại, máy tính xách tay và bàn làm việc chứa đầy vi trùng, bao gồm tụ cầu vàng và liên cầu khuẩn, có thể truyền sang mắt chỉ bằng cách chạm vào và gây ra các bệnh nhiễm trùng mắt tiềm ẩn như viêm kết mạc do vi khuẩn”.

Không chỉ vậy, việc dụi mắt có thể làm hỏng mắt của bạn. “Dụi mắt mạnh gây trầy xước giác mạc, phần ngoài cùng của mắt, khiến mắt dễ bị nhiễm trùng hơn”, cô cho biết thêm.

Cleveland Clinic cảnh báo dụi mắt có thể di chuyển lông mi, khiến chúng cạo giác mạc “với mỗi lần chớp mắt”, điều này dẫn đến tình trạng gọi là keratoconus (giác mạc trở thành hình nón thay vì tròn).

“Khi giác mạc suy yếu, nó có thể phát triển thành hình nón thay vì hình vòm nhẵn. Hình nón này bẻ cong ánh sáng sai cách và đeo kính cũng không điều chỉnh thị lực”, bác sĩ nhãn khoa, tiến sĩ Weston Tuten nói với Cleveland Clinic, giải thích tình trạng này đòi hỏi phải có kính áp tròng đặc biệt và tốn kém.

Các triệu chứng của giác mạc bị tổn thương bao gồm nhạy cảm với ánh sáng, mờ hoặc giảm thị lực, viêm, nhức đầu, đau mắt, mệt mỏi và buồn nôn.

Nếu bạn không thể cưỡng lại việc chạm tay vào mắt, bác sĩ nhãn khoa Nimmi Mistry nói việc rửa tay là rất quan trọng. Ngoài ra, mọi người cũng có thể sử dụng khăn giấy sạch để lau tay.

“Vệ sinh mắt là điều bắt buộc, vì vậy bạn nên đảm bảo mình luôn rửa tay và không chạm tay vào mắt nếu không cần thiết”, cô nói.

Theo Nghi Phương (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link