Đã có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy hoạt động thể chất bảo vệ bộ não và trí óc khỏi một số vấn đề sức khỏe do lão hóa. Như các nghiên cứu trên chuột, những con chạy trên vòng quay bánh xe đã tạo ra nhiều tế bào thần kinh mới, giúp học hỏi và ghi nhớ tốt hơn so với những con ít vận động. Tương tự, những người lớn tuổi đi bộ thường xuyên được phát hiện đã gia tăng lượng mô tại các phần não liên quan đến trí nhớ. Ngay cả ở người trẻ, những người có thể trạng cân đối hơn so với bạn bè thường thực hiện tốt hơn các bài kiểm tra nhận thức.
Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng tập thể dục giải phóng một loạt hóa chất trong não và những nơi khác của cơ thể, trong và sau khi tập. Các chất này tương tác và đốt cháy các phản ứng sinh hóa khác mà cuối cùng là giúp làm mới và cải thiện chức năng bộ não. Nhưng đó là chất gì, bắt nguồn từ đâu và tác động ra sao với cơ thể vẫn còn là điều bí ẩn.
Vì vậy, trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Khoa học (Science), các chuyên gia tại Đại học California-San Francisco (UCSF- Mỹ) và các cộng sự quyết định soi xét trí não và máu của chuột, với suy đoán rằng tập thể dục kích hoạt những thay đổi đặc biệt trong máu và tác động tới não. Đầu tiên, họ cho cả chuột non và chuột già chạy với vòng quay bánh xe trong 6 tuần, sau đó truyền máu từ cả hai nhóm cho chuột già ít vận động. Khi tiến hành kiểm tra nhận thức, các chuyên gia phát hiện dù được truyền máu từ chuột trẻ hay già thì chúng vẫn đạt kết quả tốt hơn so với nhóm chuột đối chứng không được truyền máu, đồng thời cũng tạo ra một loạt tế bào thần kinh mới tại trung tâm bộ nhớ – tất cả lợi ích này đều bắt nguồn từ những cá thể “hiến máu”.
Tiếp tục tìm hiểu các tác dụng trên ở chuột tập thể dục, các chuyên gia sử dụng các kỹ thuật tinh vi để phân tách và tìm ra các prôtêin khác nhau trong máu chuột chạy bộ và chuột ì vận động. Họ phát hiện có một loại prôtêin ít được nghiên cứu có tên là GPLD1, sản xuất chủ yếu ở gan – cơ quan thường không tương tác nhiều với não – đã tăng đáng kể sau khi chuột tập thể dục. Ngay cả những con chuột già được truyền máu từ cá thể tập thể dục cũng giải phóng GPLD1 từ gan – lý do chúng hưởng lợi từ việc tập thể dục mà không cần nỗ lực luyện tập.
Xét nghiệm máu những người đàn ông và phụ nữ lớn tuổi thường xuyên đi bộ, các nhà khoa học cũng phát hiện mức độ GPLD1 trong máu cao hơn so với những người không vận động. Kết quả cuối cùng là tập thể dục cải thiện sức khỏe não bộ một phần bằng cách khiến gan bơm thêm lượng GPLD1 – Giáo sư Saul Villeda tại UCSF, trưởng nhóm nghiên cứu, kết luận.
Các thí nghiệm sau đó của các nhà khoa học cho thấy prôtêin GPLD1 có thể không thấm qua hàng rào máu não và tác động trực tiếp lên não. Mà thay vào đó, nó có khả năng kích thích sự thay đổi trong các mô và tế bào ở nơi khác của cơ thể. Kết quả, những mô và tế bào này tạo ra nhiều prôtêin khác tác động đến các chất dẫn truyền thần kinh, gien và tế bào trong não từ đó cải thiện chức năng nhận thức.
Nếu các thí nghiệm tiếp theo trên động vật và người chứng tỏ việc truyền chất GPLD1 có thể mang lại lợi ích của việc tập thể dục, Giáo sư Villeda hy vọng trong tương lai phương pháp này sẽ giúp ích cho những người có thể chất suy yếu hoặc bị khuyết tật, nhằm cải thiện sức khỏe thể chất lẫn trí não.
Nguồn: https://baocantho.com.vn/kham-pha-co-che-tang-cuong-tri-nao-cua-thoi-quen-tap-the-duc-a123548.html