Chấn thương xảy ra do các tác động từ bên ngoài vào cơ thể và việc tập thể thao hay gym với cường độ vận động cao sẽ dễ dàng gây ra chấn thương. Trong việc tập luyện thì những chấn thương chủ yếu gây đau cơ, khớp hoặc xương.
Chấn thương sẽ gây nhiều sự khó chịu và ức chế đến cả tinh thần lẫn thể chất. Trong lúc tập thể dục hay gym, bạn muốn thử một động tác khó hoặc nặng nhưng khi mới tập đến nửa bài thì chấn thương cũ lại tái phát ghê đau đớn, cảm giác ức chế và chán nản ấy chắc chắn bạn không muốn thử qua đâu! Nên nhớ một chấn thương dù nặng hay nhẹ đều cũng khiến chúng ta mất rất nhiều thời gian để phục hồi và ảnh hưởng khá nhiều đến việc tập thể dục của chúng ta, vì thế những lưu ý trong bài viết này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc hạn chế chấn thương.
1. Khởi động thật kĩ trước khi bắt đầu tập thể dục
Chúng ta đều biết lợi ích của việc khởi động . Ngoài việc tránh và hạn chế tối đa những chấn thương thì việc khởi động còn giúp chúng ta dẻo dai hơn, tránh tình trạng căng cơ, đặc biệt làm chúng ta hưng phấn hơn để có thể bắt đầu một buổi tập hiệu quả. Vì thế hãy dành thời gian 5-10 phút để khởi động trước mỗi buổi tập, tuy ít thời gian những nó lại có hiệu quả suốt buổi tập đấy
2. Chọn những bài tập vừa sức
Những bài tập thể dục vừa sức giúp chúng ta không cảm thấy quá áp lực trong lúc tập luyện, bên cạnh đó lại giúp chúng ta tránh được chấn thương do những bài tập quá tầm gây nên. Vì thế, hãy tập những bài tập mà bạn cảm thấy chắc chắn nhất.
3. Không tập nặng liên tục và thường xuyên
Đôi lúc việc tập nặng có thể là tốt để đẩy giới hạn của bản thân, nhưng nếu duy trì tập nặng hoặc chỉ tập trung một nhóm cơ trong một thời gian dài có thể sẽ khiến bạn gặp phải những chấn thương, bởi vì hệ cơ hay xương khớp cũng cần phải nghỉ ngơi để phục hồi. Thông thường, thời gian phục hồi cơ thể sau một ngày tập nặng là từ 24 – 48 tiếng, ví dụ hôm nay bạn tập vai thì nghỉ một hôm rồi lại tập tiếp bài tập này tới hôm kia bạn tập lại sẽ là tốt nhất. Hãy chú ý lắng nghe cơ thể, nếu bị đau nhức cơ khớp thì hãy dừng việc tập lại ngay và quay trở lại khi cơ khớp đã ở trong trạng thái tốt hơn.
4. Hãy tập thể dục đúng kỹ thuật
Việc tập đúng kỹ thuật (hay còn gọi là chuẩn form) sẽ giúp bạn phát triển nhóm cơ mình muốn hiệu quả hơn, từ đó rút ngắn thời gian tập luyện. Ngoài ra, khi tập đúng kỹ thuật thì khả năng chấn thương sẽ giảm đáng kể cũng như tính thẩm mỹ của động tác khi thực hiện sẽ tốt hơn rất nhiều. Vì thế khi tập luyện, để bạn biết mình đã tập đúng kĩ thuật chưa là quay lại quá trình thực hiện động tác đó, tìm hiểu các video khác trên mạng và tự mình đánh giá xem đã đúng chưa. Cách này sẽ giúp bạn sửa kĩ thuật của mình lại đơn giản nhất. Còn cách tốt nhất là hãy tìm kiếm sự hướng dẫn từ người có kinh nghiệm.
5. Chú ý chế độ dinh dưỡng
Hãy chú ý nạp đầy đủ các chất dinh dưỡng để cơ thể luôn trong trạng thái tốt nhất, giúp cơ xương khớp hồi phục tốt hơn.
6. Tập luyện thường xuyên
Việc tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể quen với cường độ vận động cũng như có thể rải các bài tập đều ra các ngày thay vì dồn quá nhiều vào một buổi tập do đã nghỉ nhiều vào những ngày trước và gây quá tải cho cơ thể.
Lời kết
Trên đây là những lưu ý cơ bản giúp bạn tránh được những chấn thương không đáng có trong quá trình tập thể dục. Hãy luôn chú ý và lắng nghe cơ thể của mình vì “Có những chấn thương có thể hồi phục được, cũng có những chấn thương mãi mãi không thể lành. Nên hãy hạn chế tối đa nguy cơ trong luyện tập!”.