Tiện lợi của thức ăn nhanh
Trong nhà hàng những món thức ăn được thông báo số calories (năng lượng) cung cấp, hương vị hấp dẫn, giá cả phải chăng là những ưu điểm mà thực khách thừa nhận. Khung cảnh ấm cúng, trang trí sang trọng, hiện đại hấp dẫn giới trẻ. Thêm nữa họ dùng chiêu quảng cáo, đánh vào tâm lý của giới trẻ, vô nhà hàng ăn nhanh là sành điệu, là thể hiện lối sống hiện đại.
Các hình thức khuyến mại cũng vô cùng hấp dẫn như tặng đồ chơi, phiếu rút thăm trúng thưởng, phiếu giảm giá cho lần ăn tiếp theo… Những chiêu ấy kích thích sự hiếu kỳ và ham muốn hưởng thụ của thanh thiếu niên. Giới nhà giàu thì tò mò, đưa cả gia đình đến thưởng thức, muốn thể hiện đẳng cấp “gia đình hiện đại”. Sự lên ngôi của thức ăn nhanh là một thực tế không thể phủ nhận, tuy nhiên nó cũng tồn tại một số điều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thức ăn nhanh – Nhanh bệnh?
Tiện lợi, hấp dẫn, dễ mua, hương vị “khỏi chê” là những điều mà fastfood làm được. Tuy nhiên, nếu bạn lạm dụng đến mức “sống cùng fastfood” thì cần phải xem lại, bởi những gì mà loại thức ăn này mang tới cho sức khỏe của bạn.Thức ăn nhanh, lợi ít, hại nhiều.
Béo phì
Sau nửa năm bạn sẽ thấy cái bụng của mình tròn trịa, lưng quần nới ra thêm, cổ có thêm một “ngấn”, cằm đầy hơn, trễ xuống. Thủ phạm nằm ở những món béo, nhiều cholesterol, những ly nước ngọt… Rất nhiều người cho rằng, chống béo phì bằng tập thể dục. Tuy nhiên, khi cơ thể bắt đầu thừa cân là lúc chúng ta lười “nhúc nhích” chân tay. Ra sân tập giảm được 50 calories thì bạn sẵn lòng bù lại chừng 800 calories. Đây là tình trạng chung của những “béo nhân” mà tôi thường gặp. Trên thực tế, sự cám dỗ của đồ ăn, thức uống cũng mãnh liệt chả khác gì ma túy. Trẻ em mê fastfood và từ chối những món mà bà nội, bà ngoại hay mẹ nấu. Ngoài việc phải nới rộng quần áo thì cái đích tiếp theo là đủ thứ bệnh liên quan đến thừa cân, béo phì.
Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh tật (CDC) cảnh báo, béo phì đang trở thành “kẻ giết người” hàng đầu của Mỹ, chỉ sau thuốc lá.
Bệnh tim mạch
Béo phì và bệnh lý tim mạch luôn đi kèm với nhau. Tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ thường xuất hiện ở người thừa cân, béo phì. Theo một báo cáo mới được công bố gần đây của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, đồ chiên rán ăn nhanh thường chứa nhiều muối. Việc uống nước ngọt có ga đi kèm với đồ ăn nhanh làm tăng cân.
Thức ăn nhanh khiến cho vữa xơ động mạch xuất hiện sớm. Vữa xơ là những mảng mỡ chứa chủ yếu là cholesterol “xấu” nằm án ngữ trong lòng động mạch. Nó hiện diện ở động mạch vành nuôi tim, động mạch não làm cản trở dòng máu nuôi những cơ quan quan trọng này gây thiếu máu, nhồi máu từng vùng. Vữa xơ động mạch lớn gây tăng huyết áp. Tăng huyết áp lại có thể gây xuất huyết não, tổn thương thận. Một loại mỡ được đưa vào trong fastfood là transfat, nó rất nguy hiểm vì không được chuyển hoá, cứ lắng đọng và gây hại cho tim mạch. Dù đã bị cấm bởi Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) nhưng nhà sản xuất vẫn đưa nó vào để thực phẩm có độ giòn và bảo quản được lâu hơn (đặc biệt trong mì ăn liền của ta).
Bệnh tiểu đường
Những bánh làm bằng bột mì trắng, khoai tây chip, fries, cracker, các loại nước ngọt không những cung cấp năng lượng quá dư thừa, chúng còn có chỉ số đường huyết GI cao (Glycemic Index là chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn các thực phẩm giàu chất bột đường). Chỉ số GI cao sẽ gây nên hiện tượng đề kháng insulin (insulin resistance) dẫn đến glucose không đi vào trong tế bào được, cứ ở trong máu. Tăng glucose máu trong trường hợp này là tiểu đường typ 2. Trước đây, bệnh tiểu đường chỉ thấy ở người lớn thì nay đã trẻ hoá đến mức xuất hiện ở trẻ nhỏ do chế độ dinh dưỡng mất cân đối, trong đó fastfood góp phần tích cực.
Làm da xấu đi
Những món chiên rán, nước ngọt thuộc “nhiệt” nên gây nóng khiến da của chúng ta dễ nổi mụn, mau lão hoá. Các nghiên cứu đã chứng minh chất ngọt chính là thủ phạm gây lão hoá da nhanh.
Gây nghiện
Rõ nhất là ở trẻ em. Chúng mê fastfood và tìm đủ lý do để được ăn pizza, hamberger, gà rán, chúng thường xuyên uống các loại nước ngọt. Các chuyên gia cho rằng cả người lớn cũng bị nghiện thức ăn nhanh và (có thể) fastfood gây nghiện ác liệt hơn cả cocain.