Liên quan tới dinh dưỡng và sức khỏe, quả thực, có quá nhiều băn khoăn khiến con người rơi vào tình cảnh hoang mang. Một ngày, chúng ta được thông báo chất béo chính là kẻ thù. Sau đó, người ta lại khẳng định chắc như đinh đóng cột: carbohydrate mới là thủ phạm.
Kết quả là các gian hàng siêu thị giờ đây chất đầy các sản phẩm thay thế để phục vụ cho nhu cầu phải tránh chất béo, nói “không” với gluten và carbohydrate của con người.
Nhưng nhiều người không hề biết rằng, những thành phần đó lại được thay thế bởi những chất phụ gia thậm chí còn kém lành mạnh hơn rất nhiều.
Vanessa Rissetto – chuyên gia dinh dưỡng và chế độ ăn kiêng, cảnh báo, bạn nên cẩn trọng trước các loại thực phẩm thay thế được coi là “tốt hơn cho sức khỏe” như chất làm ngọt tự nhiên, sữa tách béo, rau tươi…
1. Sữa tách béo chẳng hề tốt hơn sữa nguyên kem
Chuyên gia Rissetto cho biết, cô chỉ khuyên những khách hàng vốn đã hấp thụ quá nhiều sữa sử dụng sữa tách béo – là loại không còn một chút chất béo nào. Việc này nằm trong nỗ lực cắt giảm lượng calo nạp vào cơ thể.
Cô cũng khuyên dùng sữa tách béo cho những người mà dạ dày họ bị kích ứng khi dùng sữa nguyên kem. Ngoài ra, Rissetto tin rằng, chẳng có lý do gì để khẳng định: sữa tách béo tốt hơn sữa nguyên kem.
Trên thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng, uống sữa nguyên kem đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn sữa tách béo. Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Circulation năm 2016 phát hiện thấy, người ăn hoặc uống các sản phẩm từ sữa nguyên kem giảm 46% nguy cơ bị tiểu đường hơn người ăn hoặc uống sản phẩm từ sữa ít béo hoặc tách béo.
Mặc dù chưa thể giải thích chính xác tại sao sữa nguyên kem lại giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, các nhà nghiên cứu tin rằng, chất béo bão hòa, vitamin D và chất béo omega-3 có trong những sản phẩm này có thể giúp chống lại tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát cân nặng cơ thể.
Ngoài ra, chất béo cũng giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn. Khi cắt giảm chất béo, chúng ta có xu hướng thay thế bằng đường và carbohydrate để xoa dịu cảm giác đói bụng, thèm ăn.
Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2016 đăng tải trên tờ American Journal of Nutrition tiết lộ rằng, phụ nữ dùng phần lớn các sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo cao giảm 8% nguy cơ thừa cân. Nhóm tác giả của nghiên cứu này cho biết, vitamin D, protein và canxi trong sữa có vẻ đã hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển hóa năng lượng.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Julie Upton, sữa tách béo có những lợi ích rõ ràng bởi nó chứa ít chất béo bão hòa và calo hơn, nhờ đó, giúp tăng hàm lượng cholesterol tốt (LDL) và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ.
Chuyên gia Rossett nhấn mạnh, trong khi sữa tách béo có thể có lợi cho những người lo ngại về sức khỏe của mình, chuyển sang sữa nguyên kem không gây ảnh hưởng quá lớn tới chế độ ăn hay lượng calo hấp thụ, trừ khi người đó uống rất nhiều sữa/ngày.
2. Sản phẩm không chứa gluten không thực sự tốt
Nhiều sản phẩm không chứa gluten như bánh mì, bánh ngọt… được cho là lành mạnh. Nhưng chuyên gia Upton cho biết, chúng lại có hàm lượng đường bổ sung, chất béo bão hòa và calo lớn hơn sản phẩm chứa gluten.
Hiện nay, càng ngày càng có nhiều người lựa chọn thực phẩm không gluten và coi đó như sự thay thế tốt hơn cho sức khỏe của mình. Một nghiên cứu năm 2017 do Mayo Clinic tiến hành cho thấy, hơn 3 triệu người Mỹ đang cố tránh gluten – protein được tìm thấy trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen. Khoảng 72% trong số những người áp dụng chế độ ăn không gluten không hề bị bệnh bất dung nạp gluten hay nhạy cảm với protein này.
Upton bày tỏ: “Họ nghĩ rằng: Ái chà, Miley Cyrus có ăn đâu. Vậy thì tôi cũng không ăn đồ chứa gluten. Trừ khi bạn bị bệnh bất dung nạp gluten, không có lý do lâm sàng nào để tránh ăn gluten cả”.
Gluten chịu trách nhiệm tạo hình dáng và kết cấu cho các sản phẩm nướng. Nó giúp bánh mì mềm hơn, dễ nhai hơn. Theo Upton, khi loại bỏ protein này, nó lại được thay thế bởi đường và các hóa chất để bù đắp cho phần thiếu hụt. Nhưng thực tế, chúng lại thiếu đi các dưỡng chất cần thiết.
Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Human Nutrition and Dietetics chỉ ra rằng, ngoại trừ bánh quy giòn, thực phẩm không gluten chứa nhiều đường, muối, chất béo hơn. Trong khi đó, hàm lượng chất xơ và protein của chúng lại thấp hơn.
Một nghiên cứu khác năm 2013 cũng cho thấy, người áp dụng chế độ ăn không gluten bị thiếu dưỡng chất, bao gồm folate, vitamin A, magie, canxi và sắt. “Vậy nên, trước khi quyết định loại bỏ gluten ra khỏi cuộc sống của mình, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để xem mình có bị dị ứng hay nhạy cảm với gluten không”, chuyên gia Upton khuyên.
3. Trái cây và rau đông lạnh có thể chứa nhiều dưỡng chất hơn trái cây và rau tươi
Tươi không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với tốt nhất, nếu liên quan tới nông sản. Đó là bởi dưỡng chất liên tục bị mất đi theo thời gian. Trước khi chúng được mua tại siêu thị, mang về nhà và chế biến thành món, chúng có thể đã giảm bớt dưỡng chất so với trái cây hay rau đông lạnh.
Chuyên gia Upton chia sẻ: “Thực phẩm ‘tươi’ có thể đã phải trải qua chặng đường vận chuyển kéo dài cả tuần. Và thời gian càng trôi đi, nếu chúng vẫn chưa được ăn thì dưỡng chất càng mất đi nhiều hơn”.
Trong khi đó, đông lạnh trái cây và rau giúp bảo toàn vitamin và khoáng chất, cũng như dừng quá trình hao hụt dưỡng chất. Theo một nghiên cứu năm 2017 đăng tải trên tạp chí Journal of Food Composition and Analysis, “số lần sản phẩm đông lạnh được đánh giá tốt hơn so với sản phẩm tươi ở tiệm – xét về hàm lượng dưỡng chất và vitamin – nhiều hơn số lần sản phẩm tươi được đánh giá tốt hơn sản phẩm đông lạnh”.