Ăn sáng bằng khoai lang trong thời gian dài giúp cải thiện táo bón, đẹp da, làm sạch mạch máu, cải thiện đề kháng và bảo vệ dạ dày.

1. Cải thiện táo bón

Trong cuộc sống ngày nay, chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh thường dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt với người làm văn phòng, thường xuyên phải ngồi nhiều, không có thời gian để chuẩn bị bữa sáng, có thói quen đặt đồ ăn mang về, dẫn đến tình trạng táo bón ở nhiều người trẻ.

Là loại ngũ cốc thô phổ biến nhất, khoai lang giàu chất xơ hòa tan trong nước, làm tăng cảm giác no một cách hiệu quả, giảm lượng thức ăn nhiều calo khác và cũng giúp tăng khối lượng chất thải. Khoai lang cũng hỗ trợ nhu động ruột, thúc đẩy bài tiết các chất có hại ra ngoài. Ngoài ra, chất pectin trong khoai kích thích tiết dịch tiêu hóa, có tác dụng nhất định trong việc cải thiện tình trạng táo bón, điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột.

2. Đẹp da

Khoai lang khi chín có kết cấu mềm, vị ngọt thanh, nếu thường ăn khoai lang vào bữa sáng thì rất có ích cho việc làm đẹp, do chất đạm nhầy có trong khoai lang giúp bảo vệ độ đàn hồi của da, thành mạch máu, ngăn chặn các chất có hại xâm nhập vào động mạch hay lắng đọng trên thành ống, có thể gây xơ vữa động mạch.

Ngoài ra, axit chlorogenic có trong khoai lang cũng có thể ức chế sản sinh hắc tố, ngăn ngừa sự xuất hiện của tàn nhang và đồi mồi, giúp duy trì sức khỏe của da.

Ăn khoai lang thường xuyên và đúng cách mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Ăn khoai lang thường xuyên và đúng cách mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

3. Làm sạch mạch máu, hạ mỡ máu

Thông thường, các mạch máu sẽ dày lên và cứng lại theo tuổi tác. Nếu duy trì ăn sáng bằng khoai lang trong thời gian dài, chất xơ trong khoai sau khi được hấp thu có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa lipid. Các chất carotene, axit folic và vitamin của khoai lang cũng có thể đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu hiệu quả, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hạ mỡ máu.

4. Cải thiện sức đề kháng

Là một loại ngũ cốc thô có giá trị dinh dưỡng tương đối cao, khoai lang chứa nhiều vitamin, khoáng chất và nguyên tố vi lượng, có thể bổ sung dinh dưỡng và cung cấp năng lượng cho cơ thể con người, mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể chống lại bệnh tật, cải thiện đề kháng.

5. Giảm mỏi mắt

Với những người thường xuyên làm việc với máy tính, việc đối mặt bức xạ trong thời gian dài sẽ khiến mắt bị khô, mỏi và gặp các vấn đề khác.

Carotene, vitamin A và các dưỡng chất khác trong khoai lang sẽ tác động lên võng mạc, giúp nuôi dưỡng thần kinh thị giác, giảm tình trạng khô mắt, mỏi mắt, bảo vệ tầm nhìn mắt. Nếu ăn khoai lang trong thời gian dài, sức khỏe mắt sẽ được cải thiện.

6. Bảo vệ dạ dày

Thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh thường gây đau và ảnh hưởng đến dạ dày. Một khi dạ dày có vấn đề, khả năng tiêu hóa và hấp thụ sẽ bị giảm, quá trình giải độc của cơ thể cũng bị ảnh hưởng, từ đó tác động xấu tới sức khỏe tổng thể.

Do khoai lang rất giàu cellulose, nếu ăn thường xuyên có thể tăng tốc độ chuyển hóa đường tiêu hóa một cách hiệu quả, thúc đẩy thải các chất có hại trong phổi và dạ dày, giảm bớt gánh nặng cho dạ dày, giảm khó chịu đường tiêu hóa.

Lưu ý khi ăn khoai lang

Không ăn sống

Màng tế bào tinh bột trong khoai lang cần bị nhiệt độ cao phá hủy mới được cơ thể con người hấp thụ. Nếu không gặp nhiệt độ cao, tinh bột này sẽ tích tụ trong dạ dày trở thành men khí hóa, gây đầy bụng, đặc biệt với những người có dạ dày kém. Do đó, nên hạn chế ăn khoai lang sống.

Không ăn khoai lang một mình

Ăn khoai lang có thể đạt được hiệu quả giảm cân nhưng bản thân khoai lang chứa một số chất có thể gây trào ngược axit và đầy hơi, không tốt cho sức khỏe. Bạn nên kết hợp hợp lý một số thực phẩm khác khi ăn khoai lang để thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu của cơ thể cũng như đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Không ăn khoai lang bị thâm đen, mọc mầm

Đốm đen là biểu hiện quan trọng của khoai lang bị nhiễm vi khuẩn, nếu ăn vào dễ có phản ứng ngộ độc. Trong khi đó, khoai lang mọc mầm còn chứa nhiều chất độc gây hại hệ thần kinh trung ương. Khi ăn phải liều lượng nhất định dễ gây đau bụng, đau đầu, nôn mửa, hoa mắt… Tương tự khoai tây, hàm lượng glycoalkaloid trong củ khoai lang mọc mầm là chất độc gây căng thẳng cực độ, rối loạn tiêu hóa.

Ai cần chú ý khi ăn khoai lang?

Người bị khó tiêu, đau dạ dày

Khoai lang mềm dẻo, có vị ngọt, là thực phẩm tốt cho sức khỏe, giàu giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, những người có hệ tiêu hóa không tốt, thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng không nên ăn nhiều khoai lang vì lúc ăn sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, càng sinh hơi chướng bụng.

Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Khoai lang tốt nhưng phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu ăn cần kiểm soát liều lượng, không ăn quá nhiều lần trong ngày, quá 200 gram mỗi ngày dễ gây đầy bụng. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển, chức năng tiêu hóa chưa hoàn thiện, có thể thêm một lượng nhỏ khoai lang để nấu cháo.

Bệnh nhân tiểu đường

Khoai lang là thực phẩm rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường, giúp bổ sung tinh bột, vị ngọt tự nhiên và chất xơ. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường không nên ăn quá nhiều khoai một lúc và nên giảm bớt các loại lương thực chủ yếu khác. Không nên ăn khoai lang nóng do chỉ số đường huyết của khoai lang nóng là 76, sau khi nguội giảm xuống còn 54. Do đó, khi bệnh nhân tiểu đường ăn khoai lang, tốt nhất nên chờ khoai nguội mới ăn.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link