Xác định mục đích sống, không bỏ bữa sáng, thích cà phê và nói điều tích cực với người đầu tiên nhìn thấy là những thói quen của những người sống thọ.

1. Tìm kiếm ‘ikigai’ của riêng mình

Khi tỉnh dậy vào buổi sáng, điều gì khiến bạn rời khỏi giường? Mục tiêu sống của bạn là gì? Tìm bất cứ một lý do nào đó và đón nhận nó một cách trọn vẹn là một trong những thói quen được cư dân tại các quốc gia sống thọ nhất thế giới áp dụng.

Khái niệm “ikigai” (lý do tồn tại) của người Nhật chỉ việc tìm kiếm điều gì khơi dậy tâm hồn bạn và hướng bạn đến cuộc sống có mục đích. Theo những người ở vùng có dân số sống thọ nhất thế giới, còn gọi là vùng Blue Zones, có mục đích sống giúp họ sống lâu hơn. Đây cũng là lý do để họ bước ra khỏi giường vào buổi sáng khi tuổi càng lớn dần.

2. Không bỏ bữa sáng lành mạnh

Không có gì ngạc nhiên khi chế độ ăn uống lành mạnh là một phần quan trọng để có thể sống lâu trăm tuổi. Việc tuân thủ các kế hoạch ăn uống bổ dưỡng, chẳng hạn như chế độ ăn uống dựa trên thực vật hoặc chế độ ăn Địa Trung Hải, có thể mang lại một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh. Một phần của điều này bao gồm bữa ăn quan trọng nhất trong ngày: Bữa sáng.

Một cụ bà 105 tuổi sống ở Loma Linda, California (Mỹ) luôn bắt đầu ngày mới bằng một bát yến mạch nấu chậm. Bát yến mạch được thêm vài quả chà là, một ít hạt quả óc chó bổ dưỡng và một chút sữa đậu nành chứa nhiều protein. Đây được xem là bữa ăn vừa đầy đủ dinh dưỡng vừa dễ chuẩn bị vào bữa sáng. Món ăn này giúp cho mọi cơ quan trong cơ thể vận động và hỗ trợ giảm huyết áp, cholesterol.

Không bỏ bữa sáng là một trong những thói quen người sống thọ trên thế giới áp dụng.
Không bỏ bữa sáng là một trong những thói quen của người sống thọ trên thế giới.

3. Thưởng thức một tách cà phê mỗi sáng

Những người sống ở vùng Blue Zones có thói quen uống cà phê mỗi sáng.

“Người dân ở những khu vực này uống tới hai hoặc ba tách cà phê đen mỗi ngày”, theo Dan Buettner, tác giả và người đi tiên phong trong nghiên cứu về cuộc sống của những người sống tại các khu vực tuổi thọ cao. “Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ phát hiện ra rằng tiêu thụ cà phê, cả cà phê chứa caffein và không chứa caffein, đều có liên quan đến nguy cơ tử vong tổng thể thấp hơn”.

Điều này không có nghĩa là bạn nên chất đầy cốc của mình bằng latte kem ngọt hoặc sáu gói đường. Thay vào đó, hãy chọn thêm một chút sữa, một thìa cà phê đường hoặc chất thay thế sữa có nguồn gốc từ thực vật, chất làm ngọt tự nhiên như sữa yến mạch vào cà phê.

Bạn cũng có thể đổi ly cà phê buổi sáng bằng trà, một thức uống chủ yếu khác của khu Blue Zones. Buettner khuyên bạn nên thưởng thức tách cà phê hoặc trà của mình trong lúc trò chuyện, cười đùa với bạn bè hoặc người thân, bởi khoảng thời gian gặp mặt trực tiếp rất quan trọng đối với sức khỏe và sự hạnh phúc”.

4. Nói điều tốt đẹp với người đầu tiên bạn nhìn thấy trong ngày

Sarah Wilson, một nhà báo người Australia và là tác giả của cuốn First, We Make The Beast Beautiful: A New Story on Anxiety, từng hỏi Buettner về thói quen buổi sáng của chính ông. Ngoài việc ăn một bữa sáng lành mạnh (với nhiều trái cây, ngũ cốc) và tập thể dục 20 phút (thường là yoga hoặc đạp xe đi làm), Buettner bắt đầu mỗi buổi sáng bằng cách khen ngợi người khác theo đúng nghĩa đen.

“Hãy nói điều gì đó tốt đẹp với người đầu tiên chúng ta gặp”, Buettner viết trong một bức email gửi cho Wilson. “Một nghiên cứu của Harvard cho thấy các hành vi có đặc tính dễ lây lan, vì vậy nếu bạn làm điều đó với hàng xóm của mình, người đó có khả năng quay trở lại làm thế với bạn”.

Buettner dường như đã học được thói quen trên từ chính những gì ông nghiên cứu được về cuộc sống của người ở Blue Zones. Buettner nhận thấy sự kết nối với cộng đồng và mối quan hệ giữa con người đóng vai trò quan trọng, mang lại cho chúng ta cuộc sống vui vẻ, lâu dài hơn.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link