Khi dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, việc đầu tư vào từng bữa ăn sẽ giúp cha mẹ tăng sức đề kháng cho con, tránh nguy cơ mắc bệnh khi đến trường.

Chế độ dinh dưỡng tốt có thể giúp trẻ tự bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: Shutterstock.

7h, chị Trần Ngọc Anh (31 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội) nhanh tay bóc gói bánh mỳ nhân chocolate đã mua sẵn từ hôm trước cùng hộp sữa tiệt trùng đưa cho bé Su (6 tuổi) ăn sáng. Vẫn còn ngái ngủ, bé Su đeo cặp, tay cầm bánh và sữa cùng mẹ xuống xe đi học.

Đây cũng là bữa ăn hàng ngày của Su và các bạn học khác cùng trường. Đa phần, thứ duy nhất thay đổi là mùi vị của bánh. Để “đa dạng bữa ăn” cho con, một số phụ huynh cũng mua nhiều loại nhân khác nhau như chocolate, cốm, dâu, cam…

“Buổi sáng, tôi thường không có nhiều thời gian nấu nướng. Sau khi đưa con đi học, tôi phải di chuyển đến công ty cho kịp giờ. Những sản phẩm như bánh mỳ, sữa như thế này khá tiện, lại đủ chất cho con đi học”, chị Ngọc Anh chia sẻ nhanh với PV khi được hỏi về bữa sáng của con.

Về vấn đề dịch bệnh, người mẹ trẻ cũng thừa nhận khá lo lắng khi con tới trường dù dịch đã không còn bùng phát mạnh như trước. Tuy nhiên, ngoài vệ sinh cho con, chị cũng không có giải pháp nào khác.

Vai trò của dinh dưỡng

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh truyền nhiễm, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ biến chứng hay diễn biến nặng.

tang de khang cho tre anh 1

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng để trẻ tăng sức đề kháng trước dịch. Ảnh minh họa: colin_maynard.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Minh Tân, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ, cũng khuyến cáo trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cha mẹ nên tăng sức đề kháng cho trẻ kết hợp các biện pháp phòng dịch.

Vị chuyên gia cho hay sức đề kháng của cơ thể là khả năng phòng vệ và chống lại các tác nhân xâm nhập gây bệnh. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa được hoàn thiện, khiến sức đề kháng còn kém.

“Trẻ hay bị ốm vặt, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa… là biểu hiện của hệ thống miễn dịch yếu và chế độ dinh dưỡng chưa tốt”, BS Tân chia sẻ.

Vì vậy, vị chuyên gia nhận định cha mẹ cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ, đặc biệt là thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh.

Thay đổi trong bữa ăn để tăng sức đề kháng cho trẻ

Theo BS Tân, các gia đình có thể điều chỉnh một số yếu tố ngay trong bữa ăn cho từng độ tuổi của con để cải thiện sức đề kháng:

Đối với trẻ sơ sinh:

Vị chuyên gia nhấn mạnh trẻ ở độ tuổi này cần bú thật nhiều sữa mẹ.

“Sữa mẹ chứa một nguồn kháng thể dồi dào giúp các bé tránh được nhiều loại bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sữa mẹ có thể ngăn ngừa dị ứng và bệnh tật, bảo vệ khỏi vi khuẩn, virus gây hại, hỗ trợ hệ thống miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện của trẻ sơ sinh” BS Tân nói.

Ngoài ra, những dưỡng chất trong sữa mẹ còn có thể chống lại sự nhiễm trùng và nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ hiệu quả.

Việc được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài tới tháng thứ 24 (nếu có thể) sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng tốt nhất.

Đối với trẻ lớn hơn:

Yếu tố đầu tiên BS Tân lưu ý là cha mẹ nên cho trẻ uống đủ nước và ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm gồm: Bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc); chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu…); chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật); vitamin, khoáng chất và các chất xơ (các loại rau, củ, quả).

“Cha mẹ cũng có thể tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, ngũ cốc,… Đây là chất đóng vai trò quan trọng với hầu hết quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể trẻ, như phân giải tổng hợp axit nucleic, protein…”, vị chuyên gia thông tin.

Tình trạng thiếu kẽm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của trẻ.

Một lưu ý khác là cha mẹ nên bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E cho con. Các chất này giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ. Đặc biệt, trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh… là nguồn thực phẩm rất giàu vitamin C.

Ngoài ra, BS Tân khuyến cáo cha mẹ cũng nên dạy cho con thói quen vệ sinh thân thể, tắm gội thường xuyên, đánh răng sạch sẽ để phòng chống vi khuẩn gây viêm nhiễm, khiến trẻ dễ bị mắc bệnh.

Cho bé đạp xe, bơi lội, đá bóng… sẽ giúp con ăn được nhiều hơn, năng động, hòa đồng và tăng cường kháng thể tự nhiên hiệu quả.

Giấc ngủ cũng rất quan trọng trong việc củng cố, cải thiện sức đề kháng của trẻ. Việc thiếu ngủ khiến các bé dễ mắc bệnh hơn do giảm các tế bào miễn dịch tự nhiên và còn khiến trẻ khó chịu, tinh thần không tỉnh táo.

Theo Quốc Vương (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link