Trong nghiên cứu, nhóm chuyên gia tại Viện Quốc gia lão hóa Mỹ (NIA) đã thực hiện thử nghiệm trên 40 con chuột. Chúng được cho ăn theo một lộ trình mà có một số ngày sẽ không được ăn gì, theo Daily Mail.
Những ngày còn lại lũ chuột được ăn với chế độ đầy đủ dinh dưỡng. Nhóm nghiên cứu phát hiện một điều rất thú vị ở lũ chuột. Cơ thể chúng tăng cường tiết ra một loại hóa chất não có tên là BDNF.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy BDNF có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy sực phát triển của các tế bào thần kinh và cải thiện khả năng nhận thức. Lượng BDNF tiết ra nhiều hơn đến 50% so với bình thường, nghiên cứu cho biết.
Ngoài ra, một số thay đổi trong não của lũ chuột ăn kiêng cũng xuất hiện như các neuron thần kinh hoạt động mạnh hơn và có năng lực kết nối tốt hơn, New Scientist trích dẫn nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện khu vực não chịu trách nhiệm cho học tập và trí nhớ sẽ hoạt động mạnh hơn. Điều này cũng có nghĩa là việc ăn kiêng không những có thể giúp giảm cân mà còn giúp cải thiện trí nhớ và tăng cường khả năng học tập, theo Daily Mail.
Một số nghiên cứu trước đây là cho thấy chế độ ăn kiêng 5:2 thường sẽ dễ thực hiện hơn những chế độ ăn kiêng khác. Cụ thế, chế độ 5:2 là 5 ngày ăn bình thường và 2 ngày ăn kiêng. Lượng calo trong những ngày ăn kiêng với nam là 600 calo, với nữ là 500 calo.
Khi ăn kiêng, cơ thể sẽ đốt mỡ và sản sinh ra một hợp chất gọi là ketones. Ketones có thể tác động trực tiếp lên các tế bào não để kích thích sản xuất BDNF. Hiện tượng này thường xuất hiện ở rất nhiều loài động vật, ông Mark Mattson, giám đốc phòng thí nghiệm thần kinh học tại NIA, cho biết.
Tuy nhiên, ông Mattson cũng lưu ý có thể cần phải tiến hành nghiên cứu kỹ hơn để biết chắc sự tác động của chế độ ăn kiêng đến não bộ con người.