Tôi là Bùi Thu Thủy, 32 tuổi, bạn gọi tôi là Thủy Bốp cũng được, Bốp là biệt danh của con trai tôi. Nếu bạn đang tìm một bệnh nhân ung thư có câu chuyện xé lòng, một hoàn cảnh ngặt nghèo để hỗ trợ ư? Vậy bạn tìm sai chỗ rồi.
Tôi ung thư, buồn thật, nhưng với tôi, nó giống một thách thức phải vượt qua hơn là sự bất hạnh. Tôi là single mom, nhưng không có nghĩa tôi cần vin vào ai đó để sống tốt và lo cho con. Tôi vẫn ổn, vẫn tự mình kiếm sống, vẫn có những kế hoạch trải nghiệm với niềm vui…
Với tôi, sự lựa chọn duy nhất là sống sót |
Tôi bị ung thư vú. Khi sờ vào ngực mình, một ngày tháng 10/2014, tôi đã phát hiện ra khối u, nhưng ở viện tôi khám thời điểm đó, họ không nghĩ đó là ung thư, bảo tôi về theo dõi thêm. Và tháng 5/2015, tôi chính thức trở thành một bệnh nhân ung thư.
Khoảnh khắc nghe tin mình bị bệnh, bác sĩ nói gì cũng lùng bùng, tôi chẳng nghe nổi chữ nào, chỉ muốn òa khóc khi nghĩ đến con, nghĩ đến cảnh cậu bé sẽ bơ vơ một mình trên đời. Nhiều người bảo, khoảng khắc đó tương tự chuyện nghe tuyên án tử hình, nhưng không, nó không hề giống.
Nhận án tử hình, nghĩa là ai đó đã phạm tội, và việc phải trả giá cho nó là đương nhiên, chỉ là chuyện sớm muộn. Còn tôi, đang trẻ, khỏe mạnh và xinh đẹp, đột ngột hai chữ ‘ung thư’ ụp xuống đời mình. Ung thư, nó giống một sự thử thách tôi buộc phải vượt qua hơn là một dấu chấm hết.
Tôi bị sốc và để cho mình đau khổ khoảng 1 tuần, sau đấy là thôi. Tôi ngộ ra, có ngồi than thân trách phận, khóc lóc cho sự đời thì chỉ mau già, mau chết hơn thôi, vậy nên, tôi cứ vui đời mà sống, theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Ung thư ư? Kệ nó thôi, mình chiến đấu với nó đến đâu thì đến.
Kể một chút về con trai tôi hả? À, Bốp vừa ‘già đời’, yêu mẹ và bảo vệ mẹ, vừa rất hồn nhiên. Từ khi trở thành mẹ đơn thân, tôi đã rèn luyện con trai tôi để sau con sẽ thành người đàn ông nguyên tắc, cứng rắn, tự chủ nhưng cũng giàu tình cảm.
Tôi không đặt nặng chuyện thành tích học hành của con, chỉ cần con có tư duy ổn và kỹ năng sống là được. Tôi không biết Bốp có học giỏi theo cách mà các bà mẹ khác kỳ vọng hay không, chỉ tin rằng, con có kỹ năng sống rất tốt. Hai mẹ con thường xuyên trao đổi về các tình huống như khi đi lạc, bị bắt cóc… để Bốp nghĩ cách xử lý.
“Tôi sẽ tích lũy tương lai cho Bốp nhiều hơn” |
Quan trọng nhất là tôi không để thằng bé hay bất cứ ai được phép nghĩ: làm con của một single mom là thiệt thòi và cần được bù đắp bằng cái này, cái khác. Có thể bố mẹ Bốp không sống cùng nhau, nhưng con chẳng thiệt thòi gì, thậm chí còn sướng hơn nhiều bạn. Ngày bé, cũng có lúc con “vin” vào chuyện đó để đòi hỏi, nhưng tôi giải thích để con hiểu, không ai, kể cả con được phép nghĩ như vậy.
Ngay như ông bà ngoại Bốp cũng có tư tưởng như vậy và đôi lúc hơi chiều thằng bé. Có lần, ông bà mua quá nhiều đồ chơi mới cho Bốp, tôi mang trả. Ông bà lại mua thêm. Và lần này, không chỉ trả đồ mới, tôi còn mang thêm đồ chơi cũ của Bốp sang đưa cho ông bà, nói thẳng: “Mỗi lần bố mẹ tặng thêm một món đồ chơi cho Bốp, nó không những không được chơi mà còn sẽ mất thêm cả đồ chơi cũ nữa”.
Để tránh những chuyện như thế, tôi chọn việc không ở cùng ông bà. Sau khi tôi chết, Bốp sẽ ở một mình, nó phải tự lo cuộc đời nó, nếu cứ được chiều chuộng, nâng niu, làm sao thằng bé chịu nổi khi tất cả mất đi?
Ngày biết tin, tôi chuẩn bị tinh thần, trò chuyện với con trai:
– Bốp à, mẹ bị ung thư đấy.
– Ung thư là giống ông nội á, nghĩa là mẹ không sống được lâu với con à?
– Có thể mẹ sẽ không sống được lâu như những người bình thường, sớm nhất, có thể 5 năm nữa mẹ mất, nhưng biết đâu đấy, mẹ sống lâu hơn với con thì sao.
– (Òa khóc nức nở)
– Thôi, mẹ đùa đấy! Nhưng trong trường hợp xấu, con không được buồn nhé. Con biết mẹ ở đâu rồi chứ?
– (Đặt tay vào tim)
– À, Bốp biết mẹ ở đấy rồi thì không được khóc, không được buồn đâu đấy. Con biết mình phải làm gì rồi chứ?
– Biết ạ.
– Tốt rồi, thế có khóc không?
– Dạ, không ạ, mẹ dặn con trai không được khóc.
Từ khi bị ốm, tôi nghỉ việc ở công ty xuất nhập khẩu và chỉ làm ở nhà. Hồi xưa, tôi cũng bán bánh mochi, các loại bánh ngọt theo đơn đặt hàng, bán cho vui thôi, còn giờ, nó là thu nhập chính. Vụ Trung thu vừa rồi, tôi làm bánh và rất may là bán chạy “tưng bừng”. Đợt đó, cứ làm hòm hòm việc, tôi lên viện truyền, xong lại tất tả về nhà làm tiếp.
Bố mẹ tôi còn quát, “lùa” tôi lên viện nằm vì ông bà bị tôi huy động sức làm bánh, đuối quá, nhìn thấy con về là biết sắp phải tiếp tục làm. Ngày cuối, chính tôi cũng gục, truyền xong về đến nhà là lăn ra ngất. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi kiếm đủ tiền hóa trị. Vụ Tết này, tôi làm thêm các món như giò xào, bánh chưng, hành kiệu muối, bắp bò muối… để kinh doanh. Đã bắt đầu thấy bận rồi.
Và sau cuộc nói chuyện đó, Bốp không khóc nữa. Mỗi ngày, tôi âm thầm chuẩn bị cho tương lai của Bốp một ít, còn Bốp chăm chút cho hiện tại của tôi. Những ngày xạ trị, Bốp đi học về là lập tức vào viện chăm mẹ.
Con rất biết việc và biết ý, chỉ nằm im cạnh mẹ quan sát, hết truyền thì gọi y tá vào thay, thấy mẹ buồn nôn thì dắt mẹ đi nôn và đặc biệt luôn giữ sự yên tĩnh. Ở nhà, con cũng làm hết việc vặt: giặt giữ, phơi đồ, rửa bát, dọn nhà, chăm đến mức thỉnh thoảng tôi còn thấy như mình đang “bóc lột” con.
Ung thư, hiểu theo một cách nào đó, cũng là cơ hội để tôi nhận ra con trai mình trưởng thành, đàn ông và có trách nhiệm với mẹ như thế nào. Nội lực của tôi, tất cả là từ Bốp truyền cho.
Có chết phải để dành được một khoản cho con đã, vì mình đi thì con sẽ ở lại một mình trên đời. Nghĩ vậy, nên tôi làm việc điên cuồng. Cần tiền thì phải nghĩ ra đủ thứ mà làm, vì nếu không, ai cho tiền nuôi con, chữa bệnh? Chẳng may tôi mất sớm thì ai nuôi con, ai đảm bảo cho tương lai của nó?
Bốp vẫn hồn nhiên, tồ tệch với cái tuổi lên 10 của con, nhưng cũng có phần “già đời”, hiểu chuyện và rất mạnh mẽ, có lẽ vì quen chỉ có hai mẹ con ở với nhau suốt 7 năm qua. Từ trước khi bị ốm, tôi đã không bao giờ để Bốp chứng kiến cảnh mẹ mệt mỏi, đau khổ, vì thế thì… hèn quá. Bây giờ lại càng không. Bốp còn quá bé, chứng kiến mẹ bệnh và phải chăm sóc mẹ đã là thiệt thòi rồi, nếu để thằng bé nhìn thấy mẹ thểu não, sướt mướt nữa thì thương lắm!
Mỗi ngày có lẽ tôi ngủ khoảng 3 tiếng thôi. Trừ những lúc đưa đón Bốp đi học, tập thể dục, phần lớn thời gian tôi đổ vào việc nấu nướng, làm bánh. Tôi thèm ngủ, nhưng thèm thời gian hơn. Nếu một ngày có 50 hay 100 tiếng thì tốt quá, tôi sẽ làm được nhiều hơn, sẽ tích lũy được nhiều hơn cho tương lai của Bốp.
Thằng bé mới đầu cũng phản ứng, hơi giận dỗi vì mẹ ở nhà mà chẳng có thời gian chơi nhiều với con như trước, trừ lúc đi tập thể dục cùng nhau, nhưng dần con cũng hiểu, mẹ không thể ngừng làm việc được. Mỗi lần cu cậu “ý kiến”, tôi sẽ bảo: “Mẹ không làm thì…”, vậy là Bốp sẽ tiếp lời: “… ai cho tiền nuôi con, chữa bệnh, con hiểu rồi, thôi mẹ làm đi”. Vậy đấy!
Trước đây, tôi là một đứa lười tập thể dục kinh khủng, còn giờ, khỏi phải nói, tôi mới nhận ra mình yêu cơ thể, yêu sức khỏe đến nhường nào. Tập thể dục với Bốp mỗi ngày là lúc tôi tự ‘giãn’ mình khỏi công việc và cũng là lúc chơi cùng con.
Tôi vẫn còn nhớ về ca mổ, mổ xong tôi chả thấy đau, mà cảm giác duy nhất ập đến là… cơn đói. Bác sĩ của tôi còn phải phì cười, vì đáp lại câu hỏi đầy lo lắng: “Em cảm thấy thế nào?”, tôi chỉ bảo: “Em đói quá, em có thể ăn được không?” mà không kêu đau, không khóc lóc gì. Những đợt truyền hóa chất, tôi còn không nghĩ là mình đang bị ung thư nữa, vì quá bận rộn với việc “cày” tiền. Truyền xong, rút kim ra tôi lại lao vào việc, lấy đâu ra khoảng trống mà nghĩ lung tung nữa?
Có lẽ vì thế mà tôi không giống nhiều bệnh nhân ung thư khác, như các bạn thường thấy. Tôi không coi ung thư là một rào cản khiến mình dừng lại.
Bác sĩ bảo tôi tránh vận động mạnh, đặc biệt là bên phải (bên ngực chị phẫu thuật), hạn chế đi xe máy; tôi vẫn lao ra đường ầm ầm, đến mức nhiều người sửng sốt quát: “Thủy ơi, mày ung thư mà phóng xe như người thường “’.
Bác sĩ cũng bảo tôi không đi được máy bay trong thời gian hóa trị; tôi vẫn bay ra Tuy Hòa ngắm mặt trời mọc ở cực Đông. Đợt ấy, vừa truyền xong buổi tối, đêm tôi bay luôn, 5 giờ sáng tôi và em gái đã leo lên ngọn hải đăng – nơi đón bình minh sớm nhất cả nước. Hôm ấy lại đen chứ, thường thì 5 giờ 30 sáng sẽ có mặt trời đi qua, vậy mà tôi ngồi hễu ra, chờ đến 7 giờ vẫn không thấy bình minh đâu. Hai chị em trêu nhau, cả nước ngắm bình minh xong rồi, mình thì trượt.
Chắc tôi còn may mắn vì ung thư vú là một dạng “nhẹ nhàng”, và tôi còn có sức làm việc, chứ nếu bệnh nặng hơn, chắc tôi không ngồi đây mà cười nữa. Tôi cũng không có thời gian để nằm một chỗ hay nhõng nhẽo, làm nũng với ai. Tôi là mẹ đơn thân, chẳng nhẽ làm nũng bố mẹ? Ông bà nghe tin con ung thư đã đủ sốc rồi. Làm nũng với Bốp lại càng không, tôi không cho phép mình ‘bèo nhèo’ trước mặt thằng bé. Nói chung, nhà tôi điều trị ung thư “tểnh tềnh tênh”, bệnh nhân còn trêu người nhà cười. Truyền hóa chất xong, tôi tự đi xe máy về, về còn làm việc chứ.
Sau 8 đợt hóa trị, tôi đang tiêm thuốc ức chế buồng trứng mỗi tháng 1 lần và uống thuốc hằng ngày trong vòng 5 năm để teo buồng trứng, “diệt” hoormon nữ tính trong mình đi. Bác sĩ nói, tôi sẽ không còn là đàn bà nữa, có thể sẽ mọc râu, nghĩa là tôi sắp thành “anh Thủy” rồi.
“Tôi sắp biến thành anh Thủy rồi” |
Tôi hy vọng mình không bị bẳn tính, càu nhàu quá, không thì con tôi không chịu nổi, sẽ đuổi ra khỏi nhà mất (cười lớn). Nhưng đó chẳng phải là vấn đề quan trọng. Tôi đâu còn cơ hội kén chọn nữa. Lựa chọn duy nhất của tôi là sống sót.
Tôi cũng có những phút yếu lòng. Không biết bao nhiêu lần nhìn vào gương mỗi buổi sáng tôi tự hỏi cái gì đã biến tôi ra nông nỗi này. Tôi không nhận ra mình nữa. Nó quá khác so với tôi ngày trước. Con trai thì nói càng ngày tôi trông càng giống đàn ông. Không biết bao nhiêu lần nhìn vào đống ảnh cũ lại tủi thân… Rồi lại nuốt hết nước mắt vào trong tự nhủ: ít nhất mình để trọc cũng xinh ra phết. Tin xấu: tôi xấu đi. Tin tốt: tất cả những người còn lại quanh tôi đều là những người yêu thương tôi thật lòng, không ai quan tam đến vẻ bề ngoài của tôi. Ung thư không phải quá tệ phải không?
Thời gian quý lắm, tôi không thể cứ ngồi đau khổ |
17/12 này, tôi sẽ lên Fansipan, ngày 18 tôi về. Tôi có hỏi bác sĩ của mình về chuyện này, đương nhiên, chị ấy mắng tôi chủ quan và bảo ít nhất 5 – 6 tháng nữa tôi mới có thể. Nhưng tôi phải đi thôi, không thì muộn mất, hết cơ hội mất. Khi tập chạy trong công viên, thấy nhiều bạn trẻ khởi động rất nhanh, đeo cả ba lô nặng sau lưng, bỏ trước tôi cả một vài vòng, nhưng chạy một hồi, họ cũng bằng mình, tôi hiểu, sức mình cũng không đến nỗi tệ.
Tôi không trì hoãn nữa mà phải leo Fansipan thôi, hy vọng sẽ chụp được một bức ảnh đẹp trên đỉnh núi. Cũng có thể tôi lên giữa chừng mà đuối sức, lúc đó chẳng những không có ảnh, mà chẳng biết sẽ làm thế nào để xuống nữa cơ. Nhưng biết trước thế nào được, tôi phải thử thôi!
Một thứ mà cả phú ông và lão ăn mày đều cần, là gì?
(Xi nhan) – (Phunutoday) – Câu chuyện mang đến cho độc giả một bài học sâu sắc về tình người. |