Đoạn clip một bà mẹ vừa tát vừa chửi đứa con ở quán điện tử ngay sau khi đăng lên đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Có người tán thành với cách hành xử của người mẹ, có người thì phản đối.
Nhưng với tư cách của một người đã là mẹ, sau khi xem clip đó, tôi thấy cần phải xem lại cách giáo dục của bà mẹ đó nói riêng và của các bậc phụ huynh nói chung.
Người mẹ tát con ngay giữa quán game (Ảnh cắt từ clip) |
Thứ nhất, quan điểm của tôi với game không hề xấu. Nó chỉ xấu khi mọi người nghĩ về nó với cái nhìn tiêu cực.
Với định kiến của những bậc phụ huynh từ bao lâu nay, game luôn là thứ “phải cấm tiệt” mà họ không hiểu rằng trẻ em tìm đến các trò chơi điện tử để giải trí cũng giống như đàn ông tìm đến rượu, đến các bàn nhậu để giải sầu còn phụ nữ thì tìm đến thú vui mua sắm, shopping…
Họ cấm con cái mình giải trí bằng điện tử nhưng cũng không hề quan tâm hay ủng hộ con có những thú vui giải trí khác. Họ thường quan niệm rằng “con chỉ được phép học chứ không được làm gì khác!”
Đó là một sai lầm lớn trong việc giáo dục con cái khi không cho con một đời sống tinh thần phong phú mà cứ ép con vào một cái khuôn cứng nhắc mà bố mẹ đã định sẵn!
Chẳng những vậy, ở thế giới thực, môi trường, gia đình không tạo điều kiện cho những đứa trẻ một cảm giác thoải mái, tự chủ mà luôn gò ép, tạo không khí căng thẳng thì ắt đứa trẻ đó phải tìm đến một thế giới “ảo” khác để giải tỏa và được làm chủ cuộc sống theo ý của mình.
Đó cũng là lý do tại sao ngày càng nhiều trẻ nghiện game. Bố mẹ ích kỷ bắt con sống theo ý mình mà không hề biết con trẻ cũng có quyền được vui chơi và được tôn trọng không gian riêng.
Bố đánh con trai giữa đường |
Thứ hai, phải nhìn lại cách giáo dục người con của bà mẹ này (và nhiều bậc phụ huynh khác) khi bực tức và đánh con ở chỗ đông người.
Đành rằng, việc sử dụng bạo lực là thể hiện sự bất lực của người lớn trong việc dạy dỗ con trẻ. Nhưng sự bất lực ấy từ đâu mà có?
Thực tế “đứa trẻ hư” cũng do chính sự thiếu trách nhiệm hoặc giáo dục chưa đúng của người cha, người mẹ mà ra. Chính hành động “tát tới tấp” vào mặt đứa con ở chỗ đông người cũng đã tố cáo một phần sai lầm của người mẹ đó.
Có lẽ không chỉ trong giáo dục mà trong tất cả các khía cạnh của xã hội không gì đáng sợ hơn việc con người có tư tưởng “chẳng còn gì để mất”.
Một đứa trẻ khi nó quen với đòn roi, không sợ đau, không sợ nắm đấm đã là nguy hiểm. Nhưng một khi nó đã không còn tự trọng hay sĩ diện để mất lại càng hiểm nguy hơn. Hành động như bà mẹ đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần liệu có đẩy đứa trẻ vào cùng đường của tự trọng? Nhất là các em đang trong độ tuổi “rất thích chứng tỏ bản thân”!
Đáng nói hơn là bà mẹ đó đong đếm sự “thành người” của con thông qua vật chất – những thứ thực dụng. Tất cả những câu “dạy” con không được chơi game của bà đều có đơn vị đo lường là tiền tài, nhà lầu, xe hơi… Chứ không phải bằng đạo đức, trách nhiệm của một người con với gia đình và xã hội.
“Chơi cái này nhiều có đẻ ra tiền tài gì cho mày không?… Xe hơi nhà lầu có tạo ra không?” “Một ngày chơi game thì đẻ ra một triệu à?”
Nhiều người biện hộ cho hành động của bà mẹ đó rằng “Thương cho roi cho vọt” hay “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời.”
Điều đó quả không sai! Nhưng nếu đặt mình vào vị trí của con em mình lúc đó thì các bậc phụ huynh sẽ có suy nghĩ và phản ứng như thế nào? Liệu có còn ủng hộ cách hành xử “ngẫu hứng” như thế?
Thế nên, cho roi cho vọt hay đòn đau nhớ đời cũng phải đúng nơi và đúng chỗ.
Người phụ nữ tuyệt vời không được quên những điều này
(Xi nhan) – (Phunutoday) – 20 điều làm nên một người con gái ai gặp cũng yêu. Độc lập về kinh tế là nền tảng của một người phụ nữ tuyệt vời. |