Trong quá trình mang thai, một số hiện tượng lạ xảy ra với cơ thể người mẹ mà không phải ai cũng biết, từ thay đổi về cảm giác ăn uống cho đến ngoại hình.

Ngoài ốm nghén, thèm ăn, hay chuột rút… còn có một số triệu chứng kỳ lạ mà nhiều phụ nữ mang thai ít biết. Ảnh: Shutterstock.

Trên các diễn đàn, nhiều người chia sẻ mình có cảm giác thèm ăn xi măng dữ dội khi mang thai hoặc thèm những đồ vật không ăn được. Đây chỉ là một trong nhiều thay đổi khi mang thai ít được biết đến. Để tìm hiểu thêm về những thay đổi kỳ lạ khi mang thai, trang Insider đã trao đổi với Zahra Ameen, bác sĩ sản khoa tại Cadogan Clinic (Anh).

Mũi nở to

Theo bác sĩ Ameen, hiện tượng mũi nở to khi mang thai thường xuất hiện trong 3 tháng cuối của thai kỳ.

Khi mang thai, lượng máu lưu thông khắp cơ thể tăng lên, làm tăng lượng máu chảy vào mũi và gây ra hiện tượng nở mũi. Trong tam cá nguyệt cuối cùng, lượng nước tích tụ trên mặt tăng lên và có thể làm mũi sưng hơn nữa.

Những thay đổi về hình dạng và kích thước nói chung chỉ là tạm thời và mọi thứ sẽ trở lại bình thường vào khoảng 6 tuần sau khi sinh.

Thay đổi màu da

Hormone thai kỳ có thể gây ra những thay đổi về màu da. Một hiện tượng khá phổ biến của sự thay đổi này là trên bụng mẹ bầu xuất hiện đường linea nigra, đường sẫm màu chạy dọc từ giữa bụng kéo dài qua rốn. Bên cạnh đó, một số trường hợp khác sẽ xuất hiện tàn nhang hoặc vùng da giữa hai đùi sẫm màu hơn.

Những thay đổi này dễ nhận thấy hơn ở những người có tông màu da sáng hơn.

thay doi khi mang thai anh 1

Sự tăng nồng độ của các hormone trong thai kỳ làm tăng hình thành sắc tố melanin, gây sạm da. Ảnh: Shutterstock.

U nướu

Trong thời kỳ mang thai, khoảng 5% phụ nữ sẽ có những “khối u” nhỏ trên nướu. Khối u này thường xuất hiện trong khoảng từ tháng thứ ba đến tháng thứ sáu trong thai kỳ.

Tuy nhiên, các khối u không có gì đáng lo ngại. Chúng không phải là ung thư mà chỉ đơn giản là sưng nướu do hormone gây ra và sẽ biến mất sau khi sinh.

Muỗi đốt

Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai có khả năng bị muỗi đốt cao gấp đôi.

Muỗi thường dễ bị thu hút bởi khí carbon dioxide khi chúng ta thở ra và mùi hương nhất định của cơ thể. Trong giai đoạn thai kỳ, lượng máu trong cơ thể người mẹ sẽ tăng từ 30-50% so với người bình thường. Lúc này, thân nhiệt mẹ bầu sẽ tăng cao, thở ra nhiều carbon dioxide nên dễ thu hút muỗi hơn. Ngoài ra, bụng của phụ nữ mang thai thường ấm áp hơn nên họ cũng trở thành mục tiêu lý tưởng của muỗi.

Thèm đồ vật không ăn được

Ước tính khoảng 50-90% phụ nữ mang thai cảm thấy thèm ăn ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, một số trường hợp mắc hội chứng Pica, thèm ăn những thứ không ăn được và không có giá trị dinh dưỡng.

thay doi khi mang thai anh 2

Hội chứng Pica thường xảy ra ở những phụ nữ mang thai thiếu sắt, vitamin và khoáng chất. Ảnh: Shutterstock.

Hội chứng Pica thường kéo dài một tháng hoặc lâu hơn, khiến mẹ bầu có cảm giác thèm ăn những thứ phi thực phẩm như đất, đất sét hoặc than. Khi mắc hội chứng này, bệnh nhân cần được tư vấn để kiểm soát cơn thèm ăn bậy.

Tuy nhiên, hiện tượng này rất hiếm gặp và bác sĩ Ameen chỉ gặp một vài người mắc hội chứng này trong suốt sự nghiệp của mình.

Phù thũng

Phù thũng thường xảy ra ở giai đoạn cuối của thai kỳ với biểu hiện phù nề, ấn vào thấy da bị lõm xuống, một lúc sau mới trở lại bình thường.

thay doi khi mang thai anh 3

Phù nề là tình trạng khá phổ biến trong tam cá nguyệt thứ ba. Ảnh: Shutterstock.

Theo bác sĩ Deborah Lee, chuyên gia về sức khỏe sinh sản và tình dục, hiện tượng phù thũng xảy ra do chất lỏng rò rỉ ra khỏi tĩnh mạch và bị mắc kẹt dưới da. Thông thường, các cơ bơm chất lỏng trở lại tuần hoàn máu nhưng khi mang thai, có quá nhiều chất lỏng khiến nó tích tụ lại.

Theo Minh Ngọc (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link