Hầu hết trẻ em đều mắc thủy đậu một lần trong đời. Căn bệnh này rất dễ lây lan.

Thủy đậu có tỷ lệ lây lan lên đến 90%. Ảnh: Shutterstock.

Các triệu chứng thủy đậu thường nhẹ. Song trong một số trường hợp, nó có thể gây ra biến chứng khó chịu. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho con, cha mẹ nên biết về căn bệnh này, các triệu chứng phổ biến nhất, ai có thể mắc bệnh này và liệu có cần cách ly khi nhiễm bệnh không.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu

  • Nhiệt độ cơ thể cao, thường trong vài ngày
  • Nhức mỏi và đau nhức
  • Cảm thấy không khỏe
  • Ăn mất ngon
  • Nổi mẩn, khoảng 24 giờ sau khi bắt đầu sốt

Các triệu chứng xuất hiện sau 10-21 ngày kể từ khi tiếp xúc với người mắc bệnh và sẽ tự khỏi sau 1-2 tuần, trong hầu hết trường hợp, người bệnh không cần gặp bác sĩ.

Mặc dù thủy đậu được coi là “căn bệnh thời thơ ấu”, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu họ chưa từng mắc trước đó. Và ở người trưởng thành, các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn.

Thủy đậu có 3 giai đoạn

Đây là 3 giai đoạn của đốm đỏ/phát ban. Một số người chỉ có một vài đốm trong khi những người khác có thể xuất hiện phát ban toàn bộ cơ thể. Trong một số trường hợp, người bệnh thậm chí không có bất kỳ triệu chứng nào.

Giai đoạn 1: Đây là khi các đốm nhỏ, sát da hoặc hơi nổi lên, xuất hiện, thường là trên mặt và da đầu. Các đốm có màu hồng, đỏ hoặc có thể cùng màu với vùng da xung quanh. Người da nâu hoặc đen sẽ khó phát hiện các đốm này hơn.

Giai đoạn 2: Giai đoạn này xảy ra khi phát ban lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm ngực, bụng, cánh tay, chân, nách, chứa đầy dịch và biến thành mụn nước, rất ngứa, thậm chí có thể vỡ ra. Điều quan trọng là phải ngăn không cho trẻ gãi vì đôi khi, chúng bị nhiễm vi khuẩn từ da và có thể phải dùng kháng sinh.

Giai đoạn 3: Các mụn nước đóng vảy, một số bong tróc trong khi một số khác rỉ dịch. Giai đoạn này thường xảy ra khoảng 5 ngày sau khi các đốm đầu tiên xuất hiện.

thuy dau anh 1

Hầu hết trẻ em bị thủy đậu một lần trong đời. Ảnh: Which.

Thuốc chữa thủy đậu

Phụ huynh có thể giúp con giảm bớt các triệu chứng của bệnh thủy đậu bằng các cách như:

– Uống paracetamol để giảm đau. Trừ khi được bác sĩ khuyên dùng, không sử dụng ibuprofen vì điều này có thể gây nhiễm trùng da nghiêm trọng.

– Uống nhiều nước, hãy thử kẹo băng nếu trẻ không thích uống nước.

– Làm dịu cơn ngứa: Kem và gel làm mát có sẵn ở hiệu thuốc, cũng như kem dưỡng da calamine. Dược sĩ cũng có thể tư vấn về việc liệu thuốc kháng histamine có phù hợp hay không.

– Tắm bằng bột yến mạch: Nghiên cứu cho thấy tắm với bột yến mạch dạng keo (xay mịn) cũng có thể giúp làm dịu cơn ngứa. Sau khi tắm, vỗ nhẹ cho da khô hơn là chà xát.

– Ngăn con gãi: Cắt móng tay cho trẻ và đeo găng tay hoặc vớ vào tay trẻ vào ban đêm có thể giúp trẻ ngừng gãi. Gãi có thể dẫn đến sẹo cũng như nhiễm trùng da.

Điều duy nhất bạn có thể làm là điều trị các triệu chứng. Bệnh thủy đậu do virus (varicella-zoster) gây ra nên thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích gì, ngoại trừ một số trường hợp hiếm hoi khi các nốt bị nhiễm trùng, chẳng hạn nếu chúng bị trầy xước.

Vi khuẩn thường có trên da, chẳng hạn Strep A, có thể xâm nhập qua các nốt thủy đậu và đi vào máu. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây ra các tình trạng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, mặc dù trường hợp này rất hiếm.

Bệnh thủy đậu lây trong bao lâu?

Người mắc bệnh thủy đậu bắt đầu lây nhiễm từ một hoặc hai ngày trước khi phát ban và tiếp tục cho đến khi các nốt thủy đậu đóng vảy trong khoảng 5 ngày sau đó – tổng cộng khoảng 7 ngày.

Bệnh thủy đậu bị lây khi tiếp xúc với mụn nước và đôi khi là tiếp xúc với các đồ vật như giường ngủ, quần áo, đồ chơi.

Nhóm nghiên cứu vaccine từ Đại học Oxford cho biết: “Nếu ai đó mắc bệnh thủy đậu tiếp xúc với những người không mắc bệnh, khoảng 9 trong số 10 người trong số họ sẽ mắc bệnh thủy đậu”.

Nó rất dễ lây lan (và dễ mắc), vì vậy, bất kỳ ai biết mình mắc bệnh này nên tránh xa những nơi công cộng cho đến khi họ có thể chắc chắn mình không còn khả năng lây nhiễm, đặc biệt cần tránh xa những người có thể bị tổn hại khi mắc bệnh.

Có thể bị thủy đậu hai lần không?

Bạn có thể bị thủy đậu hai lần nhưng điều đó là bất thường.

Tuy nhiên, virus thủy đậu nằm im lìm trong các rễ thần kinh sau khi bạn mắc bệnh. Chúng có thể được kích hoạt lại nhiều năm sau đó, dẫn đến bệnh zona (giời leo).

Bệnh zona thường bắt đầu với biểu hiện đau đầu và cảm giác ngứa ran hoặc đau đớn trên da trước khi tiến triển thành phát ban đau đớn với các nốt giống như thủy đậu xếp thành hàng dọc theo một bên cơ thể, thường là trên ngực hoặc bụng.

Bạn không thể lây bệnh zona cho người khác nhưng nếu bạn gặp người chưa từng bị thủy đậu trước đó, họ có thể mắc bệnh thủy đậu từ bệnh zona của bạn.

Nếu trên 70 tuổi và lo lắng về việc mắc bệnh zona, bạn có thể tiêm vaccine để giảm nguy cơ mắc bệnh và giúp các triệu chứng nhẹ hơn nếu bạn mắc bệnh.

thuy dau anh 2

Thế giới đã có vaccine thủy đậu nhưng Anh không khuyến khích tiêm. Ảnh: Which.

Có vaccine phòng bệnh thủy đậu không?

Thế giới đã có vaccine thủy đậu nhưng nó chỉ được khuyến nghị cho những người có nguy cơ bị biến chứng do virus hoặc người tiếp xúc thường xuyên hay gần gũi với người dễ bị tổn thương nếu họ mắc bệnh thủy đậu.

Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng và miễn dịch (JCVI) Anh đã thảo luận về việc có nên bổ sung vaccine này vào lịch tiêm chủng cho trẻ em để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương hay không.

Tuy nhiên, trong lần xem xét cuối cùng, họ kết luận điều này không hiệu quả về mặt chi phí vì cuối cùng, nó có thể làm giảm sự tiếp xúc của người lớn với virus thủy đậu trong suốt cuộc đời của họ. Do đó, khi về già họ có nhiều khả năng bị bệnh zona – tình trạng khó điều trị và gây tốn kém hơn thủy đậu.

Ngoài ra, vaccine không đảm bảo khả năng miễn dịch suốt đời đối với bệnh thủy đậu mặc dù nếu bạn mắc bệnh này sau khi tiêm vaccine, nhìn chung, triệu chứng sẽ nhẹ hơn.

Do đó, để biết trẻ cần tiêm vaccine hay không, gia đình nên xin ý kiến từ bác sĩ.

Có cần cách ly không?

Nếu con bạn bị thủy đậu, bạn cần cho con tránh xa trường học hoặc nhà trẻ (hoặc, trong trường hợp người lớn, đi làm) cho đến khi tất cả mụn rộp đóng vảy, thường là 5 ngày sau khi các nốt phát ban xuất hiện.

Nếu bạn là một người lớn khỏe mạnh và đã bị thủy đậu, bạn có thể đi làm, đi mua sắm hoặc thăm người khác, ngay cả khi bạn đang chăm sóc người bị thủy đậu, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn giữ vệ sinh tốt, chẳng hạn rửa tay cẩn thận.

Nếu bạn chưa từng bị thủy đậu hoặc không thể chắc chắn rằng mình mắc bệnh, với tỷ lệ lây nhiễm cao đến 90%, bạn nên cho rằng mình cũng sẽ mắc bệnh này và tuân theo các quy tắc giống như trẻ em về mặt điều trị, thời gian lây nhiễm, cách ly.

Một số người có nguy cơ bị biến chứng cao hơn nếu họ nhiễm virus thủy đậu, vì vậy tốt nhất là tránh tiếp xúc hoàn toàn:

  • Những người đang mang thai không miễn dịch với bệnh thủy đậu
  • Trẻ sơ sinh
  • Những người hút thuốc không miễn dịch với bệnh thủy đậu
  • Người có vấn đề về hệ thống miễn dịch.

Theo Nguyên Lê (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link