Nghẹt thở là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ tử vong do thương tích. Hầu hết trường hợp trẻ nghẹt thở do thức ăn.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ nghẹt đường thở do hóc thức ăn, đồ chơi nhỏ. Ảnh: Shutterstock.

Giữa tháng 5, một cậu bé 6 tuổi tại Ashdod (Israel) phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do nghẹn viên kẹo dẻo. Vụ việc xảy ra khi đứa trẻ đang vừa cùng mẹ đi dạo trên đường phố vừa ăn kẹo. Đột nhiên, trẻ bắt đầu nghẹt thở và bất tỉnh.

Người qua đường gọi cấp cứu. Nhóm nhân viên cứu hộ nhanh chóng có mặt, thực hiện nỗ lực hồi sức nhưng không thể đánh bật viên kẹo khỏi đường thở của nạn nhân.

Chỉ đến bệnh viện, các bác sĩ mới có thể loại bỏ dị vật và đứa trẻ có thể thở bình thường trở lại. Dù vậy, trẻ vẫn cần chuyển vào Đơn vị Chăm sóc Đặc biệt Nhi khoa, dùng thuốc an thần và đặt nội khí quản.

Nguy cơ nghẹn thức ăn ở trẻ

Theo số liệu từ tổ chức Beterem, trong số các nguyên nhân gây nhiều trường hợp tử vong do thương tích ở trẻ nhất, nghẹt thở đứng thứ 3. Phần lớn nó xảy ra vì thức ăn.

Dữ liệu cũng tiết lộ rằng trong môi trường gia đình, gần một nửa (49,6%) trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh dưới một tuổi là do nghẹt thở.

Chia sẻ với The Jerusalem Post, tiến sĩ Moshe Yosef, chuyên gia về y học nhi khoa tại Meuhedet, cho hay chúng ta có thể thận trọng, ngăn chặn tình trạng nghẹt thở ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời học cách xử trí nếu sự cố như vậy xảy ra.

“Nghẹn dị vật là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 4 tuổi. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị nghẹn hơn do đường thở hẹp hơn so với người lớn, cơ chế nhai, phản xạ ho kém phát triển, không đủ mạnh để trục xuất thức ăn hoặc dị vật vô tình hút vào đường thở một cách hiệu quả, tiến sĩ Yosef giải thích.

Ông cho biết thêm khi một vật nhỏ hoặc thức ăn được hút vào đường thở, nó sẽ chặn đường vào của không khí, có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng nghẹt thở.

Theo ông, phần lớn trường hợp mắc nghẹn là do thức ăn, chẳng hạn rau, trái cây tươi, các loại hạt, xúc xích, kẹo cứng, kẹo cao su. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ hóc các dị vật khác như bóng bay cao su, đồ chơi nhỏ, nam châm, đồ trang sức.

hoc thuc an anh 1

Cha mẹ, người chăm sóc nên cẩn thận trong quá trình cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ ăn để tránh nguy cơ trẻ nghẹn thức ăn. Ảnh: Pexels.

Cách bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc dị vật

Theo vị chuyên gia, cách tốt nhất để đối phó với nghẹt thở là phòng ngừa. Khi cho ăn, người chăm sóc cần đảm bảo trẻ sơ sinh/trẻ mới biết đi được ngồi cạnh bàn dưới sự giám sát của người lớn và không tham gia vào các hoạt động khác có thể khiến trẻ mất tập trung.

Với các thực phẩm hình tròn như nho, cà chua bi, xúc xích, người lớn nên cắt theo chiều dọc rồi mới cho trẻ ăn. Với rau củ quả tươi, họ cần cắt miếng phù hợp với khả năng nhai, nuốt của trẻ.

Cha mẹ và người chăm sóc tuyệt đối không cho trẻ em dưới 5 tuổi ăn các loại hạt, trừ khi chúng đã được nghiền mịn.

Bên cạnh đó, gia đình cần duy trì môi trường vui chơi an toàn, đảm bảo để các đồ chơi nhỏ cách xa trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.

Cách xử trí khi trẻ hóc dị vật

Cùng với các biện pháp phòng tránh, cha mẹ, người chăm sóc cũng cần nắm được cách xử trí nếu trẻ không may gặp sự cố và nghẹt thở.

Điều đầu tiên gia đình cần lưu ý là không cố lấy dị vật ra bằng cách đưa ngón tay vào miệng trẻ, trừ khi dị vật lòi ra ngoài.

Đối với trẻ sơ sinh dưới một tuổi, người lớn đặt trẻ úp mặt vào cẳng tay sao cho đầu trẻ thấp hơn thân và vỗ 5 lần vào lưng giữa hai bả vai. Nếu dị vật không ra ngoài, hãy lật trẻ nằm ngửa và thực hiện 5 lần ấn ngực bằng hai ngón tay ở giữa ngực. Nếu dị vật vẫn không ra, hãy lập tức gọi xe cứu thương.

Trong thời gian chờ đội y tế đến, người lớn tiếp tục thực hiện các chu kỳ vỗ lưng vào bả vai và ấn ngực.

Với trẻ trên một tuổi, thay vì ấn ngực, cha mẹ hoặc người chăm sóc hãy dùng một nắm tay nắm chặt, tay kia ôm lấy bàn tay kia và thực hiện động tác ấn bụng vào trong và hướng lên (thủ thuật Heimlich) cho đến khi dị vật được tống ra ngoài hoặc cho đến khi đội cấp cứu y tế đến.

Nếu không thể lấy dị vật ra ngoài và trẻ không thở được, mất phản ứng, người lớn cần bắt đầu thực hiện hồi sức tim phổi (CPR).

Theo Nguyên Lê (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link