VA là vùng mô cao trong cổ họng phía sau mũi giúp trẻ xây dựng khả năng miễn dịch và chống nhiễm trùng. Viêm VA có thể khiến trẻ bị khó thở, hơi thở hôi, ngủ ngáy, sưng hạch ở cổ.

Viêm VA là bệnh hô hấp thường ảnh hưởng tới trẻ nhỏ. Ảnh: Medlineplus.

VA là một phần của hệ thống bạch huyết và nằm ở phía sau mũi. Cùng với amidan trong cổ họng, VA giúp chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập qua mũi và miệng. Viêm VA xảy ra khi các VA bị sưng và nhiễm trùng.

Các VA bị sưng lên và viêm nhiễm, có thể gây khó thở và dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp tái phát.

Nguyên nhân

Theo Hindustan Times, viêm VA xảy ra khi có tình trạng viêm mô VA do nhiễm trùng, dị ứng hoặc kích ứng từ axit dạ dày như dấu hiệu của trào ngược thanh quản (LPR).

Bác sĩ Nitty Mathew, chuyên gia cao cấp về Tai Mũi Họng tại Bệnh viện Aster CMI (Ấn Độ), tiết lộ cho biết viêm VA thường do nhiễm trùng VA. VA trở nên rõ ràng khi trẻ được 2 tuổi và giảm kích thước sau 8 năm. “Nếu vẫn sưng trong một thời gian dài, chúng có thể là vấn đề về sức khỏe”, bác sĩ Nitty nhận định.

Theo chuyên gia này, các VA thường nhỏ lại khi trưởng thành nên trẻ em dễ bị nhiễm trùng nhất. Trẻ có thể dễ bị viêm nhiễm hơn nếu:

  • Trẻ bú bình.
  • Mẹ cho con bú ở tư thế nằm.
  • Trẻ bị nhiễm trùng gần mũi hoặc họng.
  • Trẻ bị dị ứng.

Triệu chứng viêm VA ở trẻ

Theo Webmd, các triệu chứng của viêm VA có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, nhưng trẻ thường bị:

  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi dai dẳng với chất nhầy có thể trong hoặc đổi màu.
  • Cổ họng khô hoặc đau, đặc biệt là vào buổi sáng, do thở bằng miệng.
  • Ngáy hoặc khó ngủ.
  • Ngưng thở khi ngủ.
  • Môi nứt nẻ, khô miệng.
  • Viêm tai giữa kèm tràn dịch.
  • Đau và nhiễm trùng tai.
  • Sưng hạch ở cổ.

Bác sĩ Nitty Mathew chỉ ra các biến chứng của viêm VA có thể xảy ra khi không được điều trị kịp thời bao gồm:

  • Sổ mũi.
  • Viêm tai tái phát, giảm thính lực.
  • Khô miệng, sâu răng.
  • Nói giọng mũi.
  • Nhiễm trùng xoang tái phát.
  • Viêm phế quản hoặc viêm phổi.

Viem VA o tre nho anh 1

Viêm VA có thể khiến trẻ bị nghẹt mũi, cổ họng khô hoặc đau, sưng hạch ở cổ… Ảnh: Southernentassociates.

Trẻ có cần bỏ VA khi bị viêm?

Thông thường VA nhỏ lại vào khoảng 5-6 tuổi, và hầu như biến mất khi trẻ lớn lên. Vì vậy, đến khoảng 8 tuổi, trẻ có thể không bị viêm VA. Tuy nhiên, việc giữ vệ sinh kém có thể tăng nguy cơ tái phát.

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm VA là virus và việc điều trị loại nhiễm trùng này bao gồm các biện pháp hỗ trợ như nước muối nhỏ mũi, hút mũi và steroid mũi. Nếu trẻ bị viêm VA do vi khuẩn gây ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh thích hợp, đồng thời dùng thuốc xịt mũi để giảm kích thước của VA.

Nếu trẻ thường xuyên bị nhiễm trùng, bao gồm nhiễm trùng tai và xoang, hoặc thuốc kháng sinh không có tác dụng, hoặc nếu bé liên tục gặp vấn đề về hô hấp, bác sĩ có thể đề nghị cha mẹ cho con phẫu thuật loại bỏ VA. Bác sĩ cũng có thể đề nghị cắt bỏ amiđan cùng lúc vì viêm VA và viêm amiđan thường đi đôi với nhau.

Sau khi phẫu thuật, trẻ có thể cảm thấy buồn nôn cho đến khi thuốc mê hết tác dụng. Trong tuần sau phẫu thuật, các triệu chứng con bạn có thể gặp phải:

– Đau họng: Cổ họng của trẻ có thể bị đau trong 7-10 ngày sau khi làm thủ thuật và gây khó ăn.

– Sốt: Trẻ có thể bị sốt nhẹ vài ngày sau khi phẫu thuật. Nếu sốt cao hơn 38,9 độ C, hoặc sốt đi kèm với các triệu chứng khác như thờ ơ, buồn nôn, nôn, giảm lượng nước tiểu, nhức đầu hoặc cứng cổ, hãy gọi cho bác sĩ.

– Thở bằng miệng: Thở bằng miệng và ngáy có thể xảy ra sau phẫu thuật do cổ họng bị sưng. Hơi thở sẽ trở lại bình thường sau khi giảm sưng, thường là 10-14 ngày sau phẫu thuật.

– Đau: Đau họng và đau tai là bình thường trong vài tuần sau phẫu thuật. Bác sĩ có thể kê thuốc để giúp kiểm soát cơn đau.

– Vảy trong miệng: Những vảy trắng, dày sẽ phát triển ở nơi amidan và/hoặc VA đã được cắt bỏ. Điều này là bình thường và hầu hết vảy bong ra thành từng mảnh nhỏ trong vòng 10 ngày sau phẫu thuật. Đừng để trẻ tự cạy vảy. Những vảy này cũng có thể gây hôi miệng.

Sau khi trẻ phẫu thuật, cha mẹ có thể thực hiện một số điều để giúp con phục hồi nhanh:

  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm, chẳng hạn trứng bác, thạch, súp và kem que. Thực phẩm ấm hoặc hơi lạnh là tốt nhất.
  • Đảm bảo trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước.
  • Cho con nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt trong vài ngày đầu sau phẫu thuật. Trẻ có thể trở lại trường học sau khi ăn uống bình thường, không còn dùng thuốc giảm đau và ngủ ngon suốt đêm.

Theo Phương Mai (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link