Theo đánh giá của Bộ Y tế, xu hướng kết hôn muộn và phụ nữ sinh con sau tuổi 35 đang có chiều hướng gia tăng. Qua các nghiên cứu về xã hội và y học cho thấy, việc phụ nữ sinh con khi đã lớn tuổi thường phát sinh các hệ lụy đáng lo ngại về sức khỏe cho cả mẹ và con.

Phụ nữ đứng tuổi khi mang thai cần khám thai định kỳ
Phụ nữ đứng tuổi khi mang thai cần khám thai định kỳ

Vừa mừng, vừa lo

Ngồi chờ khám thai định kỳ, chị Lê Thị Th. (ở Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi lo lắng khi đến tuổi 37 mới chuẩn bị sinh nở lần đầu. Chị Th. cho biết, do công việc bận rộn nên gần 35 tuổi chị mới lập gia đình. Gần 2 năm sau, chị Th. có thai. Nhưng cùng với niềm vui sắp có con đầu lòng là nỗi lo rất lớn khi thai nhi tới tuần thứ 20, bác sĩ phát hiện thai nhi có một số vấn đề về sức khỏe; và bản thân chị cũng có dấu hiệu của bệnh tiểu đường, huyết áp cao.

Sau khi sinh con trai đầu lòng lúc 30 tuổi, thì giờ đây, khi bước sang tuổi 35, chị Nguyễn Hương L. mới có thai đứa con thứ 2. Từ khi có thai, chị L. cảm thấy mệt mỏi hơn nhiều so với lần đầu vì tuổi đã khá cao. “Dù tới thời điểm này, thai nhi đang phát triển bình thường nhưng vợ chồng tôi vẫn rất lo, vì không thể lường trước được các bất trắc có thể xảy ra khi sinh nở ở thời điểm tuổi ngoài 35. Hơn nữa, so với lúc trẻ thì bây giờ tôi cũng đau ốm nhiều hơn trước”, chị L. chia sẻ.

Điều tra của Tổng cục Thống kê về biến động dân số, xu hướng kết hôn tại Việt Nam cho thấy, xu hướng kết hôn muộn và sinh con muộn đang là thực trạng phổ biến ở nước ta, nhất là tại các đô thị lớn, thậm chí không ít trường hợp kết hôn và sinh con khi đã gần 40 tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới xu hướng này, trong đó, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội thì con người ngày càng dành nhiều thời gian của bản thân để học tập, lao động, cống hiến cho công việc nhằm có vị trí trong xã hội. Ngoài ra còn có áp lực về thu nhập, chi phí sinh hoạt, chăm lo cho gia đình nên không ít cặp vợ chồng ngại sinh con, trì hoãn thời gian sinh đẻ, hoặc lập gia đình muộn.

Những rủi ro khi sinh con sau 35 tuổi ảnh 1
Khám thai định kỳ cho thai phụ

Theo dõi chặt quá trình mang thai

Theo nhiều chuyên gia sản khoa, về mặt sinh học, độ tuổi từ 20 đến trước 30 là “thời gian vàng” để người phụ nữ thụ thai và sinh con, vì đây là thời điểm sức khỏe của người phụ nữ sung sức nhất, chất lượng trứng cũng tốt nhất. Do đó, phụ nữ kết hôn và sinh con muộn có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề đáng ngại về sức khỏe, khiến chất lượng thai nhi giảm đáng kể; thậm chí còn đối diện với nhiều biến chứng, nguy cơ trong thai kỳ như: đái tháo đường, tăng huyết áp, sẩy thai, sinh non, thai chết lưu. Đặc biệt, các nghiên cứu về rối loạn nhiễm sắc thể cho thấy, những phụ nữ trên 35 tuổi mang thai dễ dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi, như hội chứng Down (khuyết tật về trí tuệ). Nếu như người mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1.250, đến 30 tuổi là 1/952, thì khi ngoài 35 tuổi tỷ lệ này sẽ là 1/378.

Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cảnh báo, phụ nữ lớn tuổi thường có nhiều vấn đề về bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ (như các bệnh lý tim mạch, cao huyết áp) nên khi mang thai dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật, sinh non hay sẩy thai. Hơn nữa, quá trình mang thai sẽ làm cho sức khỏe người mẹ kém đi, và khi người mẹ không khỏe thì lại càng ảnh hưởng đến thai nhi, nhất là với người đứng tuổi.

“Những phụ nữ sau 35 tuổi nên khám sức khỏe trước khi dự định mang thai, nếu không đủ điều kiện về sức khỏe thì không nên cố mang thai. Trong trường hợp có thai khi đã ngoài 35 tuổi thì quá trình mang thai phải khám sàng lọc dị tật, theo dõi chặt chẽ cả quá trình thai kỳ để phát hiện các rối loạn di truyền, cũng như các bệnh lý cho cả mẹ và thai nhi. Đồng thời cần có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống khoa học, đa dạng các loại thực phẩm để tăng cường sức đề kháng cho mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi”, bác sĩ Phan Chí Thành lưu ý.

Theo Minh Khang – Thành An (sggp) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link