Giáo sư Nguyễn Bá Đức – nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương, Phó chủ tịch hội Ung thư Việt Nam – cho biết ung thư cổ tử cung là một trong hai bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ.
Trong đó, virus HPV là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới căn bệnh này. 99% trường hợp người bệnh mắc ung thư cổ tử cung có chứa virus này.
Đặc biệt, HPV được lây qua đường tình dục. Phụ nữ có quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) và với nhiều đối tượng dễ lây nhiễm HPV và làm tăng khả năng mắc ung thư cổ tử cung.
GS Đức giải thích virus HPV có hơn 100 chủng. Đây là loại virus gây mụn cơm, mụn cóc và các sùi mào gà (các u nhú) ở da, dương vật, âm hộ, hậu môn, dẫn đến viêm da lành tính, hoặc viêm cơ quan sinh dục. 13 chủng HPV dẫn đến ung thư, trong đó type 16 và type 18 có nguy cơ cao nhất.
Theo GS Đức, ung thư cổ tử cung có mối quan hệ nhân quả giữa quá trình sản sinh phát triển với quá trình nhiễm trùng. Tổn thương do virus HPV bắt đầu từ bề mặt sau đó sẽ ăn sâu dần xuống lớp đáy từ lành tính rồi chuyển sang ác tính.
Bệnh có thể di căn vào hạch bạch huyết khác như phổi, gan xương, não. Tùy theo mức độ xâm lấn xung quanh và tình trạng di căn, ung thư cổ tử cung được xếp theo 4 mức độ.
“Trong cuộc đời, người phụ nữ thường bị nhiễm virus HPV một lần nhưng không phải tất cả trường hợp nhiễm HPV đều dẫn đến ung thư cổ tử cung. Chỉ những type HPV có động lực cao, tái phát nhiều lần, gây tổn thương ở mức độ 2 không được điều trị mới đáng lo”, GS Đức cho biết thêm.
Theo chuyên gia, khoảng thời gian từ khi nhiễm virus HPV có tổn thương kéo dài khoảng 2 năm. Trên 90% số người bị lây virus HPV có thể tự đào thải bằng hệ thống miễn dịch và sự thay đổi pH của âm đạo.
Vì vậy, chị em nên thường xuyên đi khám phụ khoa theo định kỳ và tiêm phòng virus HPV. Tiêm phòng vắc xin có thể giảm nguy cơ ung thư khoảng 90% và tổn thương tiền ung thư trên 60%. Độ tuổi thích hợp để tiêm là từ 9-26 tuổi.