Chỉ sau vài phút uống nước ngọt có gas, bệnh nhi khó thở, nổi ban ngứa và được chẩn đoán bị sốc phản vệ. Tình trạng này cũng hay xảy ra sau bị côn trùng cắn hoặc truyền dịch.

Sốc phản vệ khiến bệnh nhân khó thở, thở thành tiếng, sưng hay căng thắt trong cổ họng. Ảnh: Adobestock.

Theo Hội Miễn dịch học lâm sàng và Dị ứng Australia, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng có khả năng đe dọa tính mạng và được xem là trường hợp y tế khẩn cấp.

Sốc phản vệ xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng (thường là thực phẩm, côn trùng hoặc thuốc) nhưng không phải tất cả người bị dị ứng có nguy cơ sốc phản vệ.

Nhiều trường hợp sốc phản vệ bị nguy kịch

Ngày 2/3, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhân nam 52 tuổi nhập viện trong tình trạng choáng váng nhiều và khó nói. Các triệu chứng xuất hiện sau khi bệnh nhân ăn tối. Thoạt đầu, các bác sĩ nhận định bệnh nhân có thể bị đột quỵ não hoặc hôn mê do tăng đường máu.

Tuy nhiên, trải qua nhiều xét nghiệm cũng như kiểm tra các triệu chứng gồm đỏ da vùng tai, huyết áp giảm và khí máu lactate cao, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ. Sau khi được điều trị theo phác đồ sốc phản vệ, tiêm adrenalin 1/3 ống, bệnh nhân không còn chóng mặt nhưng huyết áp vẫn thấp.

Trường hợp bị sốc phản vệ không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Vào 1/2023, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết sau gần 4 tháng được điều trị tích cực, bệnh nhi 6 tuổi đã vượt qua tình trạng nguy kịch và hồi phục ngoạn mục.

Trong quá trình điều trị bệnh viêm phổi tại bệnh viện tuyến dưới, bé bị sốc phản vệ nghi do thuốc kháng sinh. Vì bệnh cảnh diễn tiến nhanh, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng sốc phản vệ nặng, tổn thương đa cơ quan.

Cùng thời điểm, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhi 10 tuổi trong tình trạng khó thở, nuốt nghẹn, nổi ban ngứa vùng ngực bụng, phù mạch quanh mắt và thở rít. Các triệu chứng này xuất hiện chỉ sau vài phút uống nước ngọt có gas. Bệnh nhi được xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ, tiêm thuốc adrenalin.

soc phan ve anh 1

Sốc phản vệ xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng (thường là thực phẩm, côn trùng hoặc thuốc). Ảnh: Blog.chsbuffalo.

Các triệu chứng nguy hiểm của sốc phản vệ

Hội Miễn dịch học lâm sàng và Dị ứng Australia cho biết trong một số trường hợp, sốc phản vệ gây ra các triệu chứng dị ứng ít nguy hiểm như sưng mặt, môi và/hoặc mắt; nổi mề đay, mẩn đỏ hoặc các vết sưng (do dị ứng); đau bụng hay nôn mửa (do bị côn trùng cắn).

Tuy nhiên, sốc phản vệ có khả năng đe dọa tính mạng nếu xuất hiện các triệu chứng nặng như khó thở, thở thành tiếng, sưng lưỡi, sưng hay căng thắt trong cổ họng, nói chuyện khó khăn, giọng khàn, thở khò khè hoặc ho dai dẳng.

Ngoài ra, tình trạng này khiến bệnh nhân chóng mặt liên tục, dễ ngã quỵ, đặc biệt trẻ em bị sốc phản vệ có khả năng tái nhợt và đi không vững.

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng bao gồm tập thể dục, sức nóng và uống rượu. Đối với người bị dị ứng thực phẩm, mức độ triệu chứng phụ thuộc vào số lượng ăn và cách chuẩn bị thực phẩm.

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho hay thực phẩm gồm các loại hạt, sữa, cá, động vật có vỏ, trứng và một số loại trái cây thuộc nhóm các tác nhân phổ biến gây sốc phản vệ.

Việc gây mê toàn thân hay sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin cũng có khả năng dẫn đến tình trạng này. Người bị côn trùng đốt, đặc biệt ong bắp cày, hay sử dụng găng tay từ cao su latex, cũng có nguy cơ bị sốc phản vệ.

Để phòng ngừa tình trạng này, NHS khuyến cáo những ai từng dị ứng hoặc nghi ngờ dị ứng nên kiểm tra bao bì và thành phần thực phẩm trước khi ăn. Bên cạnh đó, bạn có thể giảm nguy cơ bị côn trùng đốt bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản như:

– Di chuyển ra khỏi khu vực có ong, đặc biệt ong bắp cày hay ong mật, một cách chậm rãi mà không hoảng sợ, không vung tay xung quanh hoặc đập vào chúng.

– Sử dụng thuốc chống côn trùng nếu dành nhiều thời gian ở ngoài trời, đặc biệt là vào mùa hè.

– Cẩn thận khi uống nước bằng lon vì côn trùng có thể bay xung quanh hoặc chui vào bên trong lon và chích vào miệng.

– Không đi bộ bên ngoài với đôi chân trần.

Ngoài ra, bạn cần thận trọng khi uống thuốc và truyền dịch, đặc biệt khi đã bị dị ứng với các thành phần thuốc khác.

Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link