Nữ bệnh nhân ở Hà Nội bị đau bụng dữ dội kèm đi ngoài ra máu sau khi thụt cà phê thải độc tại một phòng khám tư.

Người phụ nữ 38 tuổi từng hai lần sử dụng phương pháp này, mỗi lần cách nhau một tuần. Đến lần thứ ba, ngay trong quá trình thụt tháo, bệnh nhân thấy đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu qua hậu môn. Khám tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy hình ảnh tụ dịch khí khoang sau phúc mạc, nghi ngờ vỡ trực tràng. Do đó, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu để xử lý tổn thương.

Thụt đại tràng thải độc bằng cà phê: Tin đồn và sự thật

Quá trình phẫu thuật ghi nhận tổn thương vỡ trực tràng 1/3 dưới, gây áp xe khoang sau phúc mạc. Kíp mổ khâu chỗ vỡ trực tràng, đồng thời dẫn lưu rộng rãi khoang sau phúc mạc và làm hậu môn nhân tạo đoạn đại tràng Sigma.

Ngày 4/7, bác sĩ Nguyễn Thành Khiêm, khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa – Gan mật tụy, cho biết sau 14 ngày điều trị, bệnh nhân đã xuất viện, ăn uống cũng như sinh hoạt bình thường, nhưng phải trải qua một cuộc phẫu thuật nữa để đóng lại hậu môn nhân tạo.

Thanh lọc đường ruột bằng cà phê là hình thức làm sạch ruột được sử dụng trong y học thay thế. Trong quá trình này, một hỗn hợp cà phê đã pha, có chứa caffeine và nước sẽ được đưa vào ruột qua hậu môn, trực tràng. Thải độc đại tràng bằng cà phê được quảng cáo là có tác dụng kích thích dòng chảy của mật và sản xuất glutathione, một chất chống oxy hóa giải độc, trị táo bón cũng như bách bệnh.

Bác sĩ Khiêm cho biết các bằng chứng khoa học trong và ngoài nước chưa khẳng định tác dụng của phương pháp thải độc này. Gần đây các cơ sở y tế cũng ghi nhận nhiều biến chứng nguy hiểm như vỡ trực tràng do thụt tháo không đúng cách.

Trên thực tế, việc bơm cà phê vào hậu môn sẽ làm trực tràng bị giảm kích thích, lâu dài làm mất phản xạ của bộ phận này, không thụt cà phê không đại tiện được. Đồng thời, việc mất phản xạ cũng làm tăng nguy cơ vỡ trực tràng trong những lần thụt tháo sau.

“Việc làm sạch ruột sẽ gây nguy cơ mất nước, mất cân bằng điện giải, suy giảm chức năng ruột và phá vỡ hệ vi khuẩn đường ruột”, ông Khiêm nói, thêm rằng thụt tháo đại tràng là một phương pháp điều trị cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện tại các cơ sở y tế có cấp phép.

Ngoài ra, thay vì áp dụng các phương pháp không chính thống, mỗi người nên tự bảo vệ hệ tiêu hóa bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ… Đồng thời hạn chế bia rượu, thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Thường xuyên vận động cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn mỗi ngày.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link